Giá xăng dầu thời gian tới sẽ ra sao?
Bộ Công Thương dự báo giá xăng RON95 có thể lên mức 23.049 đồng/lít vào quý III.
Bộ Công Thương vừa phát đi dự báo về giá xăng dầu bán lẻ trong nước quý III, với khả năng giá xăng RON95 có thể lên 23.049 đồng/lít.
Dự báo này dựa trên phân tích diễn biến giá dầu thô và giá dầu thành phẩm thế giới, theo đơn vị nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie.
Hãng tư vấn này dự báo giá bình quân dầu thô thế giới quý III ở mức 87-92 USD/thùng, tương ứng dự báo giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu quý III sẽ ở mức 90-98 USD/thùng. Mức giá này so với cùng kỳ năm 2022 là thấp hơn 12,81 - 23,20%.
Tại kỳ điều hành ngày 11-7, giá xăng E5RON92 đang ở mức 20.419 đồng/lít; giá xăng RON95 ở mức 21.497 đồng/lít; dầu diesel ở mức 18.616 đồng/lít; dầu hoả 18.320 đồng/lít; dầu mazut 15.288 đồng/kg.
Như vậy, với kịch bản giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân (giá Platt Singapore) là 90 USD/thùng, Bộ Công Thương tính toán xăng E5 RON92 ở mức 21.325 đồng/lít, RON95 là 21.597 đồng/lít và dầu diesel 18.115 đồng/lít.
Còn nếu giá thành phẩm thế giới 98 USD/thùng thì giá xăng E5 RON92 là 22.657 đồng/lít, còn giá xăng RON95 là 23.049 đồng/lít, giá dầu diesel ở mức 19.415 đồng/lít.
Trao đổi với PLO, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, kể từ đầu tháng 5 đến nay, giá dầu thế giới biến động trong xu hướng đi ngang ở vùng giá khá thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay. Nguồn: Bộ Công Thương
MXV đánh giá yếu tố mang tính hỗ trợ mạnh nhất đối với giá dầu trong quý III là rủi ro thâm hụt nguồn cung, khi quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Arabia quyết tâm cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, tương đương 1% nhu cầu thế giới. Trong tháng 5, sản lượng dầu của Saudi Arabia đã giảm hơn 500.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.
Trong khi đó, các quốc gia còn lại trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo hạn ngạch, khiến hiệu quả từ nỗ lực của “thủ lĩnh” nhóm phần nào bị hạn chế.
Các nước châu Phi như Angola, Nigeria thường xuyên sản xuất dưới mức hạn ngạch khoảng 300.000 – 700.000 thùng dầu/ngày. Đồng thời dòng chảy xuất khẩu dầu thô từ Nga vẫn đang ổn định, và chưa có dấu hiệu cắt giảm sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày như tuyên bố hồi tháng 3.
Giám đốc MXV cho rằng nếu rủi ro nguồn cung thắt chặt từ các nước OPEC+ mang tính hỗ trợ cho giá dầu, thì triển vọng tiêu thụ sẽ là lực cản lớn đối với giá dầu trong nửa cuối năm nay.
Bởi tại Mỹ và châu Âu, công cuộc thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng. Điều này có thể sẽ trở thành sức ép rất lớn đối với giá dầu khi Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và châu Âu cũng là khu vực có lực cầu về dầu thô mạnh mẽ.
Trong khi đó, tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới Trung Quốc, đà phục hồi kinh tế yếu hơn kỳ vọng cũng có thể hạn chế sức mua dầu thô.
“Trước các biện pháp can thiệp nguồn cung từ OPEC+, giá dầu có thể sẽ phục hồi trong quý III năm nay. Nhưng đà tăng nhiều khả năng sẽ khiêm tốn trong bối cảnh lo ngại về bức tranh tiêu thụ đang dần trở thành mối quan tâm hàng đầu” - ông Quang Anh nói.
Ông Edward Moya, một nhà phân tích tại OANDA, cho biết giá dầu đã tìm thấy mức sàn.
Nguồn: [Link nguồn]