Giá xăng dầu lại có cớ để khó giảm?
Giá xăng dầu trong kỳ điều hành dự kiến diễn ra vào ngày mai (18.9) lại đang có cớ để khó giảm khi các doanh nghiệp xăng dầu phát tín hiệu kêu lỗ.
Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ, kêu thiệt
Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên sàn Nymex (WTI) chốt phiên hôm qua đứng ở mức 47,15 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 10 ở mức 49,75 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong nước từ chiều qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã bắt đầu phát tín hiệu kêu lỗ, có doanh nghiệp đã kêu lỗ khoảng 600 đồng/lít xăng bán ra.
Doanh nghiệp xăng dầu đang kêu lỗ khoảng 600 đồng/lít xăng bán ra
Chiều 16.9, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, hiện chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu đang vào khoảng 600 đồng/lít. Nếu chênh lệch này là đúng thì về lý thuyết, trong đợt ngày mai, giá xăng có thể tăng khoảng 600 đồng/lít.
Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, giá xăng dầu trên thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Singapore từ ngày 3.9 đến nay luôn trên mức 60,5 USD/thùng. Giá trung bình trong 11 ngày gần nhất tại thị trường này là 61,7 USD/thùng. Các mức giá này đều cao hơn mức giá trung bình kỳ điều hành hôm 3.9 (bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 19.8.2015 đến hết ngày 2.9.2015 là 58,299 USD/thùng xăng RON 92).
Trước đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị các bộ ngành áp dụng một tỷ giá để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Doanh nghiệp này cho rằng, việc áp tỷ giá bình quân liên ngân hàng (mà không phải là tỷ giá mua chuyển khoản do Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) công bố) để tính thuế, hình thành giá cơ sở xăng dầu đã làm thiệt cho ngành này gần 500 đồng/lít xăng (tỷ giá liên ngân hàng thường thấp hơn tỷ giá mua chuyển khoản ngân hàng công bố).
“Doanh nghiệp vừa kêu lỗ, vừa kêu thiệt vì tỷ giá thì người tiêu dùng khó có khả năng được giảm giá xăng trong ngày mai” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá. Theo ông Long, việc các doanh nghiệp kêu giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ 600 đồng/lít cần phải làm rõ vì biến động giá xăng dầu thế giới 15 ngày qua vẫn ở mức thấp. “Theo tôi cần phải làm rõ tăng ấy là ở thời điểm cụ thể nào. Tăng ở ngày thứ nhất, ngày thứ hai hay ngày thứ 12, 13... cộng lại 15 ngày thì có tăng không? Chưa kể họ lấy giá ở thời điểm nào trong ngày để tính, lấy ở lúc giá cao hay giá thấp… Cơ quan chức năng khi điều hành phải công bố cụ thể đã lấy ngày nào, giờ nào làm giá cơ sở, cho ra giá thành ra sao?!" - ông Long phân tích.
Đã đến lúc xả quỹ bình ổn xăng dầu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thực sự giá xăng dầu thế giới tăng khiến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu cao hơn giá bán hiện hành 600 đồng/lít như tính toán của các doanh nghiệp thì đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sử dụng quỹ bình ổn để không tăng giá các mặt hàng này ngày mai, đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trước thời điểm giảm giá hôm 3.9, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex là 1.620 tỷ đồng. Bộ Tài chính công bố số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến 30.6 là 1.794 tỷ đồng và chắc chắn con số này thời điểm này phải lớn hơn nhiều vì thời gian qua chúng ta chỉ trích tiền vào quỹ chứ không xả ra đồng nào.
Ở quan điểm ngược lại, nhiều tính toán của các chuyên gia cho thấy, biến động hiện nay vẫn thấp hơn so với mức giá thời điểm giữa tháng 8 khoảng 3,3 USD/thùng. “Giá xăng dầu trên thế giới hiện cao hơn đầu tháng, nhưng vẫn có những điều chỉnh giảm nhẹ qua từng phiên nên chưa thể khẳng định được giá cơ sở mặt hàng xăng dầu có cao hơn giá bán trong nước hay không, do vậy tăng hay giảm giá xăng dầu (thậm chí là giữ nguyên giá) vẫn chưa thể tiên liệu một cách chắc chắn” - một chuyên gia kinh tế cho biết.
Ông này ví dụ: Ngày 10.9, giá xăng 92 nhập về Việt Nam giảm 2,36 USD/thùng, xuống mức 60,5 USD/thùng; dầu hỏa giảm 2,65 USD/thùng; diesel giảm 2,37 USD/thùng xuống 59,14 USD/thùng; dầu mazut giảm mạnh 23,06 USD/tấn. Hay ngày 14.9 mới đây, giá dầu thế giới giảm ở mức 44 USD/thùng, đặc biệt giá xăng ngày này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm…
Theo Nghị định 83 của Chính phủ, giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng: (Giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ) x tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + Các loại thuế phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành; được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc. Giá CIF là Giá xăng dầu thế giới + Phí bảo hiểm + Cước vận tải về đến cảng Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phan Duy Minh - giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, với cách tính giá CIF này, đây chỉ là “giá ảo tưởng” và như vậy giá cơ sở chưa hợp lý. Giá CIF ở đây lẽ ra phải là giá xăng dầu thực tế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cộng với các yếu tố khác (phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam). Giữa giá thực và giá ảo chênh lệch nhau rất nhiều, do đó, sự không mạch lạc, rõ ràng chính là ở chỗ này.