Giá xăng dầu không tăng vào dịp Tết
Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có công văn 8/2 gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về việc điều hành kinh doanh xăng dầu và yêu cầu xăng không tăng giá.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương thống nhất chỉ đạo không tăng giá, giữ ổn định giá bán, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các chủng loại xăng dầu như hiện hành.
Theo liên bộ Tài chính - Công Thương, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây, chênh lệch giữa giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 8/1 đến ngày 6/2 và giá bán hiện hành các mặt hàng xăng dầu, đồng thời nhằm chia sẻ hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu giữ nguyên giá xăng dầu
Tuy nhiên, liên bộ Tài chính - Công Thương cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
Cụ thể, đối với xăng, tăng mức sử dụng Quỹ thêm 500 đồng/lít (từ 500 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít); với dầu diesel, tăng mức sử dụng quỹ thêm 200 đồng/lít (từ 200 đồng/lít lên 400 đồng/lít); với dầu hỏa, tăng mức sử dụng quỹ thêm 300 đồng/lít (từ 400 đồng/lít lên 700 đồng/lít); với dầu mazut, tăng mức sử dụng quỹ thêm 200 đồng/kg (từ 400 đồng/kg lên 600 đồng/kg).
Thời điểm thực hiện mức sử dụng Quỹ như trên bắt đầu từ 11 giờ ngày 8/2/2013.
Theo Bộ Tài chính, với mặt hàng xăng Ron 92 có mức giá bán hiện hành là 23.150 đồng/lít nhưng giá cơ sở là 24.125 đồng/lít, và nếu sử dụng 500 đồng từ Quỹ Bình ổn giá thì vẫn lỗ 475 đồng mỗi lít; tương tự dầu diesel lỗ 257 đồng/lít, dầu hỏa 373 đồng/lít và dầu mazut lỗ 260 đồng/lít.
Như vậy, với quyết định của liên bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu sẽ không tăng trong những ngày Tết nguyên đán này.
Trước đó, thông tin được Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) Vũ Huy Quang cho biết tại họp báo kế hoạch sản xuất kinh doanh 2013 ngày 5/2 cho biết, Dư nợ tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) đến thời điểm này là trên 14.000 tỷ đồng.
Theo hợp đồng được ký giữa EVN và Petro Vietnam, đến thời điểm này, khoản lãi chậm trả của EVN với Petro Vietnam đã lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
PV Power phải vay vốn lưu động là 10.250 tỷ đồng của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) để thanh toán chi phí nhiên liệu cho PV Gas, PV oil, trong đó lãi vay phải trả cho PVFC trong năm 2012 là gần 1.400 tỷ.
Vì vậy, mặc dù lợi nhuận sau thuế năm 2012 của PV Power là 716 tỷ đồng nhưng trên thực tế, nếu hạch toán đủ cả khoản lãi vay phải trả này, PV Power bị lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.
Ông Quang cũng cho biết, theo hợp đồng được ký giữa EVN và Petro Vietnam, đến thời điểm này, khoản lãi chậm trả của EVN với Petro Vietnam đã lên tới gần 3.000 tỷ đồng.