Giá xăng, dầu giảm mạnh: Phải “gõ” để hàng hóa khác giảm giá
“Giá xăng dầu giảm mạnh từ 15 giờ ngày (22.12) chắc chắn sẽ tác động mạnh làm giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ trong nước. Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm “gõ” để cho giá hàng hóa khác giảm xuống…”.
Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế sau động thái giá xăng giảm liên tiếp lần thứ 12 kể từ đầu năm tới nay.
“Xăng giảm thì mặc xăng giảm”…
Trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh trước kỳ nghỉ lễ tết là một động thái tích cực, tác động lớn tới nền kinh tế và giá cả hàng hóa. Giá dịch vụ vận tải sẽ phải giảm là dễ nhận thấy nhất, kéo theo giá các hàng hóa khác phải giảm theo.
Diễn biến giá xăng RON 92 thời gian gần đây. Nguồn số liệu: Petrolimex. Ảnh nền: ĐÀM DUY
Tuy nhiên, theo ông Doanh, nghịch lý hiện nay là xăng giảm thì mặc xăng giảm (giá xăng đã qua 11 lần điều chỉnh giảm, chưa kể lần hôm qua), hầu hết giá hàng hóa nói chung vẫn không giảm và người dân vẫn đang phải gánh chịu sự không bình thường này.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội- ông Vũ Vinh Phú cũng nêu thực tế, từ 1-2 tháng nay tôi theo dõi giá cả hàng hóa đều thấy hầu hết không giảm giá, cước taxi giảm chút ít, có mặt hàng lại còn tăng giá. Hàng lương thực, thực phẩm vẫn biến động tăng lên. Giá rau củ quả tăng rõ rệt, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Giá điện, nước, dịch vụ y tế giáo dục… thì tăng và còn đang kiến nghị tăng thêm…
Theo ông Phú, chỉ nói đến giá cả các mặt hàng thiết yếu với đời sống người dân, giá cả leo cao nhưng kết quả thanh kiểm tra giá của các cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa công bố được gì. Tất cả đã tạo ra một “sức ì” kinh khủng của giá cả tiêu dùng. “Đây là điều hết sức vô lý trong bối cảnh giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu là đầu vào của sản xuất hàng hóa liên tục giảm sâu”- ông Phú nói.
Thực tế, giá cả hàng hóa trên thị trường tăng cao nhưng “gốc” của hàng hóa là nơi sản xuất thì giá lại rất bèo bọt. Ông Phú cho biết, giá trứng bán tại các siêu thị hiện nay vẫn ở mức 4.000-5.000 đồng/quả, không xuống, trong khi nơi sản xuất ra nông dân chỉ bán được với giá 1.000-2.000 đồng/quả. Hay cà chua bán tại gốc chỉ 2.000-3.000 đồng/kg nhưng tại các chợ giá lên tới 12.000-15.000 đồng/kg. Đây là bất cập của hệ thống giá cả, thể hiện sự thiếu bàn tay điều tiết, quản lý chặt của Nhà nước.
Không thể hô hào cho giá giảm…
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, giá xăng giảm thì giá các hàng hóa khác phải giảm theo. Chúng ta không thể hô hào để cho giá giảm mà phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Theo chuyên gia này, các bộ phải vào cuộc, trước hết là kiểm tra kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, vận tải, giá các dịch vụ khác liên quan trực tiếp đến xăng dầu.
Hiện nay, sức mua kém nhưng giá vẫn cao vời vợi, túi tiền của dân “lép”, giá cả không giảm thì họ cũng không thể mạnh tay chi tiêu, cơ hội để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng là không có và cuối cùng cơ hội của giảm giá xăng dầu đã chẳng đem lại nhiều quyền lợi cho người dân- ông Thắng chia sẻ.
Ông Vũ Vinh Phú cũng bày tỏ, yêu cầu các ngành, dịch vụ liên quan giảm giá là phải dựa trên sự tính toán, kiểm tra rõ ràng chứ không thể nói mồm là giảm được. Mục tiêu của kinh doanh là lợi nhuận nên cơ quan quản lý phải chỉ ra được giá nào là bất hợp lý mới có thể buộc các đơn vị sản xuất kinh doanh giảm giá hàng hóa. “Tôi đã thấy quá nhiều khẩu hiệu suông nói doanh nghiệp phải giảm giá, còn doanh nghiệp thì “cãi lại”, vừa vô duyên, vô lý, vô tình và giá không bao giờ xuống được một cách hợp lý. Giá cước vận tải đang là một ví dụ. Giá cước hiện chỉ giảm 500-700 đồng/km trong khi lẽ ra phải giảm ít nhất là 2.000 đồng/km”- ông Phú phân tích.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì đã đến lúc, các cơ quan nhà nước phải nắm được cấu thành giá cả, “gõ” nó ra một cách rõ ràng, có kiểm toán vào cuộc. “Phải chỉ ra được giá thành của hàng hóa cần phải giảm thì mới buộc doanh nghiệp giảm giá được hợp lý, điều mà chúng ta còn làm được quá ít hiện nay. Không chỉ với giá vận tải, mà với nhiều mặt hàng độc quyền, Nhà nước còn quản lý giá cũng chưa làm được đến nơi đến chốn”- ông Long cho biết.
Theo các chuyên gia, nếu làm tốt công tác giá cả, chỉ cần tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu thì mặt bằng giá chắc chắn sẽ xuống, bởi hàng thiết yếu xuống mà hàng hóa khác cao thì doanh nghiệp chỉ có “chết”, lúc đó không cần các biện pháp hành chính thì giá cả khác cũng ắt tự giảm.