Giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa vẫn ''đứng im''
Sau thời gian dài neo giữ ở mức cao, giá xăng trong nước chiều 21/7 giảm về mốc 26.000 đồng/lít, bằng giá xăng tháng 2. Giá xăng dầu liên tiếp giảm gần đây đã giúp chi phí đầu vào sản xuất của một số ngành, trong đó có vận tải ngay lập tức giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, giá cước vận tải, hàng hóa, dịch vụ vẫn “đứng im” với lí do cần độ trễ để giảm giá.
Mừng nhưng chưa giảm giá
Ngày 21/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp với mức giảm 2.710 - 3.600 đồng/lít. Giá bán lẻ mỗi lít xăng E5 RON 92 về mức 25.070 đồng, xăng RON 95 mức 26.070 đồng, tương đương mức giá ở tháng 2/2022.
Xăng dầu là đầu vào sản xuất quan trọng, tác động trực tiếp tới hầu hết ngành nghề và đời sống người dân. Giá xăng dầu giảm ở mức đáng kể trong thời gian qua đã bước đầu thỏa mong ước của người dân, doanh nghiệp.
Nhiều DN cho biết, họ vẫn chưa có ý giảm cước phí vận tải. Ảnh: PV
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 21/7, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Cty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho biết, giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh thời gian qua và duy trì trên mức 30.000 đồng/lít nhiều ngày, khiến các đơn vị vận tải khốn đốn. Việc giá xăng giảm còn 26.000 đồng/lít và dầu còn gần 25.000 đồng/lít, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ ra vui mừng.
Cũng theo ông Bằng, trước đây, mỗi tháng, chi phí xăng dầu bị đội lên nhiều và doanh nghiệp vận tải có thời điểm càng chạy càng lỗ. Giá xăng dầu giảm lần này giúp doanh nghiệp cân đối được thu chi.
Hiện, bản thân doanh nghiệp đã khôi phục được 90% hoạt động sau dịch COVID-19 và khách đi lại nhiều, nhất là cao điểm du lịch hè, do đó xăng dầu giảm giá càng có nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, khi được hỏi về giá vé, ông Bằng cho biết, chưa thể giảm giá ngay vì giảm giá xăng mới ở mức chấp nhận được. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, doanh nghiệp chưa dám tăng giá vé.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, xăng giảm giá là tin mừng với doanh nghiệp. Thế nhưng doanh nghiệp kỳ vọng, giá xăng giảm xuống còn 23.000 đồng/lít như trước. Theo ông Hùng, khách hàng chưa thể kỳ vọng giá cước vận tải sẽ giảm ngay, vì doanh nghiệp chịu nhiều gánh nặng chi phí khác ngoài xăng dầu.
“Các hãng taxi truyền thống thời gian qua chưa kịp làm hồ sơ tăng giá thì giá xăng liên tục điều chỉnh tăng. Nay giá giảm cũng chưa nhiều nên giá cước vẫn giữ nguyên vậy”, ông Hùng nói.
Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB VN) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đánh lên các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải. TCĐB VN cho rằng, qua khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên toàn quốc thấy, doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.
Theo TCĐB VN, trong khi giá nhiên liệu tăng cao, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35 đến 45%, nhiều doanh nghiệp vận tải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn chưa tăng cước. Với vận tải hàng hóa, TCĐB VN nhìn nhận giá xăng dầu ở mức hiện nay, cước vận tải hàng hóa tăng khoảng 10-20% tùy theo cung đường và loại hàng hóa.
Anh Vũ Văn Nội - tài xế xe taxi tại Hà Nội cho biết, giá xăng giảm xuống 26.000 đồng/lít đã góp phần giúp anh “thở phào” trước gánh nặng tiền mua xăng. Anh Nội nhẩm tính, khi giá xăng chưa giảm, mỗi ngày anh chi 500.000 đồng mua xăng. Đến nay, số tiền xăng đổ mỗi ngày chỉ khoảng 300.000 đồng.
“Trong 100.000 đồng thu của khách, tôi phải nộp phí cho Grab 32%, tương đương 32.000 đồng. Khi giá xăng chưa giảm, tôi mất khoảng 33.000 đồng tiền xăng, gần như chạy xe không có lợi nhuận. Giá xăng giảm, giúp tài xế như chúng tôi có thể có đồng lợi nhuận hợp lý hơn”, anh Nội chia sẻ.
Hàng hóa cần độ trễ mới giảm giá
Giá xăng giảm giúp chi phí đầu vào của doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ vận tải ngay lập tức giảm, thế nhưng khảo sát của PV Tiền Phong tại chợ dân sinh ở Hà Nội, đa số hàng hóa vẫn neo ở mức cao. Chị Nguyễn Hoa, tiểu thương Chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hầu hết mặt hàng thịt lợn, cá, rau thời gian gần đây tăng giá, trong đó, một phần nguyên nhân là giá xăng dầu tăng. Giá xăng dầu đã giảm song chưa giúp giá bán nhiều hàng hóa giảm theo.
Ông Nguyễn Đức Huy, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại Hà Nam cho biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm. Thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào liên tiếp tăng nên việc giảm giá xăng dầu chưa thể kéo giảm được giá bán hàng hóa.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, mặc dù giá xăng giảm khá sâu nhưng giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường nhiều khả năng chưa thể giảm ở mức tương ứng. Nhiều mặt hàng vẫn sẽ neo mức cao và mặt bằng giá cả trên thị trường chưa có sự điều chỉnh mạnh.
Trước những đợt điều chỉnh liên tiếp giá xăng dầu, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, trong nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng, giá cả hàng hóa thiết yếu, cước vận tải tăng ngay lập tức. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm, giá các mặt hàng chưa giảm tương ứng vì doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh chi phí sản xuất.
Theo ông Lâm, hiện nay, người dân chủ yếu mua bán hàng hóa ở hệ thống chợ truyền thống. Các tiểu thương vì lợi nhuận khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này. Vì vậy, giá xăng giảm nhưng người dân chưa thể nhanh chóng hưởng lợi.
Trong thông báo kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về định hướng công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Sau thời gian dài nằm im nhìn nhiều mặt hàng xung quanh tăng giá, chỉ trong vòng hai tuần trở lại đây, giá thịt lợn đột ngột tăng mạnh. Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá thịt...
Nguồn: [Link nguồn]