Giá xăng dầu diễn biến "lạ" dù căng thẳng ở Trung Đông leo thang
Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm 5 lần liên tiếp, kể từ kỳ điều hành ngày 11-7.
Ngày 8-8, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm từ 648 - 930 đồng/lít/kg, tùy từng mặt hàng. Trong đó, xăng RON95 giảm tới 930 đồng/lít, về mức giá 21.673 đồng/lít.
Giá xăng dầu trong nước giảm 5 lần liên tiếp trong hơn một tháng qua
Theo cơ quan điều hành, giá xăng dầu trong nước giảm là do chịu tác động từ giá thế giới. Giá xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống; nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm; căng thẳng ở mức cao tại khu vực Trung Đông…
Trước đó, giới phân tích đánh giá rủi ro địa chính trị có thể là động lực chính hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Đặc biệt, tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông khi Iran tuyên bố sẽ tấn công vào Israel nhằm đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas ở thủ đô Tehran, Iran. Thị trường lo ngại rằng tuyên bố này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông.
Tuy nhiên, thị trường xăng dầu thế giới không tăng mà diễn biến "lạ" khi xoay chiều giảm. Theo Bộ Công Thương, giá dầu Brent tháng 7-2024 (bình quân 84,811 USD/thùng), giá dầu WTI (bình quân 81,571 USD/thùng).
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho hay nhiều hãng dự báo trên thế giới cho hay giá dầu có thể biến động tăng do căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, diễn biến thực tế của giá dầu đã đi ngược dự báo. Điều này cho thấy dự báo giá xăng dầu không hề dễ dàng.
Một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá xăng dầu trong nước giảm trong 5 kỳ điều hành trên là do giá dầu thô thế giới giảm mạnh.
Tuy nhiên, để dự báo chính xác diễn biến giá nhiên liệu này trong thời gian tới là rất khó. Nếu tình hình chính trị leo thang, giá dầu có thể vọt lên.
Dự báo về nguồn cung xăng dầu thế giới, Bộ Công Thương cho biết hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động ảnh hưởng đến giá cả mặt hàng xăng dầu như: Cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường gia tăng lo ngại Trung Quốc khó có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng, kéo theo nhu cầu sử dụng dầu có thể thấp hơn dự báo, có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào thị trường vàng và tiền số, quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), căng thẳng tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn… tiềm ẩn nguy cơ nguồn cung, giá cả mặt hàng xăng dầu thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của hai nhà máy, tình hình nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân và tình hình tiêu thụ xăng dầu trong nước để có giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quý II, Việt Nam xuất khẩu được 6,19 ngàn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,95 triệu USD.