Giá vé đường sắt tốc độ cao tại các nước như thế nào
Tính trung bình trên mỗi km, giá vé đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc tương đương Việt Nam, trong khi giá ở Nhật Bản và Indonesia cao hơn.
Theo dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tổng mức đầu tư dự án này khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng và thiết bị (hơn 974.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, dự án có thể giúp GDP bình quân cả nước tăng khoảng 0,97% một năm, so với kịch bản không đầu tư.
Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông. Vé được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD.
Như vậy, chặng Hà Nội - TP HCM dài 1.541 km, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng. Theo dự thảo tờ trình, "giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn với các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam".
Đường sắt cao tốc xuất hiện trên thế giới từ nhiều thập kỷ trước và đang ngày càng trở thành xu hướng, khi nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao. Dù vậy, chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng lại khá lớn.
Trung Quốc - nước có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, giới chức có ý tưởng về loại hình giao thông này từ năm 1978. Nhưng 30 năm sau, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên mới đi vào hoạt động, nhờ được chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp. Hiện tại, Trung Quốc có hơn 42.000 km đường sắt cao tốc trên cả nước.
Bắc Kinh - Thượng Hải với độ dài 1.318 km là một trong những tuyến bận rộn và quan trọng nhất, khi kết nối hai khu vực kinh tế chính của nước này. Tuyến này có 2 loại tàu cùng vận hành, với tốc độ tối đa 350 km mỗi giờ, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố xuống dưới 5 giờ.
Giá vé tại đây vì thế cũng chia làm nhiều hạng và tùy loại tàu. Hạng 2 có giá 570 - 660 nhân dân tệ (81-94 USD), hạng nhất là 960 - 1.000 nhân dân tệ và hạng thương gia 1.800 - 2.300 nhân dân tệ. Bình quân mỗi km, vé hạng thương gia có giá 0,2 USD, hạng nhất là 0,1 USD và hạng 3 là 0,06 USD.
Tàu cao tốc Fuxing chạy vượt một con tàu truyền thống ở Trung Quốc. Video: CGTN
Đài Loan (Trung Quốc) cũng sử dụng đường sắt cao tốc từ 2007. Vé tàu ở đây được chia làm hai hạng - phổ thông và thương gia. Nếu đi trọn tuyến từ Nam Cảng đến Tả Doanh dài 345 km, giá vé hạng phổ thông là 1.530 Đài tệ, hạng thương gia 2.500 Đài tệ. Trung bình theo km, hai hạng vé này lần lượt có giá 0,14 USD và 0,23 USD.
Như vậy, giá vé áp dụng tại Trung Quốc tương đương với mức đề xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, giá ở một số quốc gia châu Á khác, như Nhật Bản hay Indonesia, lại cao hơn.
Tuyến đường sắt tốc độ cao | Giá vé trung bình (USD/km) | So sánh giá Việt Nam với các nước (%) | ||||
Hạng nhất | Hạng hai | Hạng ba | Hạng nhất | Hạng hai | Hạng ba | |
Bắc - Nam (Việt Nam) (*) | 0,18 | 0,074 | 0,044 | |||
Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc) | 0,199 | 0,099 | 0,059 | 89 | 75 | 75 |
Tohoku (Nhật Bản) | 0,283 | 0,141 | - | 63 | 52 | - |
Jakarta - Bandung (Indonesia) | 0,261 | 0,196 | 0,109 | 68 | 38 | 41 |
Cologne - Frankfurt (Đức) | 0,386 | 0,265 | - | 46 | 28 | - |
(*) Giá vé tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là mức đề xuất
Quốc gia châu Á nổi tiếng với đường sắt cao tốc là Nhật Bản. Hệ thống tàu cao tốc Shinkansen hiện do Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản (JR) quản lý, hoạt động trên đường ray xây riêng với tốc độ khoảng 320 km một giờ.
Nhật Bản cũng là nước có tuyến đường sắt cao tốc thương mại đầu tiên trên thế giới - Tokaido Shinkansen - nối hai trung tâm kinh tế lớn của nước này là Tokyo và Osaka. Tuyến này hoạt động năm 1964, mục tiêu ban đầu là kết nối các vùng xa xôi với thủ đô, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Dù vậy, tuyến dài nhất tại đây là Tohoku Shinkansen, nối Tokyo với thành phố Aomori, với tổng chiều dài tuyến là 674 km. Giá vé cho tuyến này chia làm 3 hạng. Thấp nhất là 17.470 yen, ghế hạng nhất là 23.540 yen và ghế Gran Class là 28.780 yen. Giá vé đường sắt cao tốc tại Nhật Bản bình quân 0,18 USD, 0,24 USD và 0,3 USD, tương ứng với từng hạng ghế.
Tàu cao tốc chạy tuyến Jakarta - Bandung tại nhà ga Tegalluar ở Bandung (Indonesia). Ảnh: CGTN
Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đầu tiên vận hành đường sắt cao tốc, với một tuyến duy nhất có tên Whoosh nối hai thành phố hàng đầu nước này là Jakarta và Bandung. Tuyến này mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2023, với loại tàu có tốc độ thiết kế 350 km một giờ. Việc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển quãng đường 142 km từ 2-3 giờ bằng tàu hỏa truyền thống xuống còn 40 phút.
Theo thông tin trên website công ty điều hành hệ thống tàu cao tốc nước này, giá vé hiện tại là 225.000 rupiah cho hạng phổ thông, 450.000 rupiah hạng thương gia và 600.000 rupiah hạng nhất. Tính trung bình, giá vé mỗi km lần lượt là 0,11 USD, 0,2 USD và 0,28 USD.
Pháp là một trong những nước đầu tiên có đường sắt cao tốc trên thế giới. Hệ thống TGV của nước này được đưa vào khai thác năm 1981, thường di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 320 km một giờ. TGV kết nối các thành phố của Pháp, di chuyển tới các nước xung quanh như Bỉ, Luxembourg, Đức, Italy và Tây Ban Nha.
Paris - Lyon là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại châu Âu và phổ biến nhất tại Pháp, với chiều dài hơn 400 km. Tùy việc hành khách đi tàu giá rẻ hay cao cấp, chọn ghế hạng nhất hay hạng hai, và giờ khởi hành lúc nào, giá vé sẽ khác nhau. Vé hạng hai vào khoảng 35-109 euro, còn vé hạng nhất là 83-152 euro. Bình quân mỗi km giá 0,1-0,4 USD.
Tàu cao tốc tuyến Paris - Lyon dài hơn 400 km của Pháp, tháng 10/2018. Ảnh: Anh Minh
Tại Đức, Cologne - Frankfurt hiện là một trong những tuyến đường sắt cao tốc quan trọng nhất nước này, khi kết nối hai trung tâm về thương mại và công nghiệp. Tuyến này được xây dựng giai đoạn năm 1995-2002, với tổng chi phí khoảng 6 tỷ euro.
Tùy hạng ghế và loại tàu vận hành, giá vé tàu khoảng 50-100 euro. Tính trung bình trên quãng đường 180 km, vé hạng nhất 0,386 USD mỗi km và hạng hai là 0,265 USD.
Giá vé tàu cao tốc tương đối cao, Chính phủ các nước đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ cho người già, trẻ nhỏ. Chẳng hạn, tại Đài Loan (Trung Quốc), trẻ em, người khuyết tật và cao tuổi sẽ được giảm 50% giá vé. Hành khách đi theo nhóm cũng được giảm giá, nhưng không nhiều. Hay Nhật Bản cũng miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi; giảm nửa tiền vé cho trẻ 6-12 tuổi.
Theo đề xuất, giá vé đường sắt tốc độ cao dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trong điều kiện bình thường, được chia làm 3 mức; phù hợp với khả...
Nguồn: [Link nguồn]