Giá tôm giảm mạnh, nông dân bỏ đầm

Giá tôm nguyên liệu trên thị trường đang xuống thấp gần như chạm đáy trong vài năm trở lại đây, khiến người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, phải chấp nhận bỏ đầm nuôi.

Nhiều hộ lao đao

Dọc theo những cánh đồng tôm bạt ngàn ở những “vựa” tôm lớn nhất nhì miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là hình ảnh tan hoang của những đầm tôm nuôi công nghiệp. Ngồi bên 2 ao nuôi tôm công nghiệp của gia đình mình (hơn 4.000m2), ông Nguyễn Văn Lượm, ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) buồn so, nói: “Sau gần 2 năm nuôi tôm công nghiệp, kinh tế gia đình tôi đã kiệt quệ. Đầu năm nay, tôi vay tiền đầu tư thêm 2 ao nuôi mong gỡ gạc, nhưng khi thu hoạch giá tôm quá thấp, mỗi ký tôm mất 25.000-30.000 đồng, trừ chi phí gia đình còn lỗ hơn 30 triệu đồng”.

Giá tôm giảm mạnh, nông dân bỏ đầm - 1

Báo chí tìm hiểu việc người nuôi tôm ở xã Hòa Thành,  thành phố Cà Mau (Cà Mau) bỏ đầm. Ảnh: Hoàng Hạnh

Không chỉ riêng gia đình ông Lượm phải bỏ đầm, rất nhiều hộ nuôi khác cũng lâm cảnh nợ nần, phải chấp nhận bỏ phế máy móc, quạt chạy oxy ngoài đầm, không thèm đem về nhà. Ông Nguyễn Thanh Giảng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cái Nước cho biết, tình hình dịch bệnh, cộng với giá tôm quá thấp là nguyên nhân chính khiến nông dân không mặn mà với việc tái sản xuất. “Hiện 1.500ha nuôi tôm công nghiệp của huyện chỉ mới xuống giống nuôi được 1.000ha, nhưng dịch bệnh làm thiệt hại hơn 100ha” - ông Giảng nói.

 

Bà Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NNPTNT Sóc Trăng) cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay Sóc Trăng có khoảng 45.000ha tôm nuôi, nhưng chỉ mới thả nuôi khoảng 12.000ha (chậm tiến độ hơn 50% so với cùng kỳ), trong đó đã có 1.700ha bị thiệt hại do dịch bệnh”.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, hiện cả tỉnh mới chỉ thả nuôi được có 110ha trên tổng diện tích 128.000ha nuôi tôm công nghiệp. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao, mực nước trong vuông tôm bị cạn kiệt dẫn đến tôm chết, nên nhiều hộ chưa dám thả nuôi.

Cần mở rộng thị trường

Ông Lý Văn Thuận - Chủ tịch Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Vasep) cho biết: “Giá tôm nguyên liệu (tôm sú và thẻ chân trắng) đang xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Tôm sú giảm giá bình quân 20% so với cùng kỳ (giảm từ 25.000 – 50.000đồng/kg so với đầu năm), tôm thẻ chân trắng giá giảm 25% (giảm từ 20.000 – 35.000 đồng/kg).

Còn ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau thông tin: Hiện tại tôm sú loại 20 con/kg có giá 255.000 đồng/kg (giảm 45.000 đồng/kg); loại 30 con/kg hiện giá 175.000 đồng/kg… Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá chỉ 80.000 đồng/kg (cùng kỳ năm trước có giá 110.000 đồng/kg); loại 90 con/kg có giá 85.000đồng/kg…

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nguyên nhân khiến giá tôm xuống thấp do sản lượng tôm nuôi ở một số nước trong khu vực đã phục hồi, nên cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu không lo chuyện thiếu hàng nên còn chờ đợi, chưa ký hợp đồng nhập khẩu. Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho biết: “Để cứu giúp cho con tôm, Chính phủ và các ngành chức năng cần tìm ra nhiều thị trường để can thiệp, tạo đầu ra ổn định cho tôm ở ĐBSCL, vì loại thủy sản này là nguồn mang lại kinh tế chủ lực tầm quốc gia”.

Nhận định về giá tôm trong thời gian tới, ông Lân hy vọng, có thể giá tôm thời gian tới sẽ tăng, vì nếu xuống thấp nữa thì nông dân sẽ bỏ hẳn con tôm. Vừa qua diện tích nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL giảm là do thời tiết nóng nóng kéo dài nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngoài ra, giá tôm xuống thấp cũng đang tác động mạnh đến sự phát triển diện tích tôm nuôi trong khu vực nói chung, và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) đánh giá: “Việc sản xuất của bà con hiện rất khó khăn vì giá cả. Hiện tại, diện tích thả nuôi của hiệp hội chỉ được khoảng 10-15% trên tổng diện tích 2.000ha. Trong vụ nuôi chính sắp tới, nếu giá tôm không tăng thì diện tích thả nuôi của hiệp hội cũng sẽ không tăng”.

 

Xuất khẩu thủy sản giảm 17%

Theo Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,41 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tại trong nước, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục ở mức thấp, còn 22.000-23.000 đồng/kg, chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Nguyên nhân do nhà máy chế biến chưa xuất khẩu mạnh nên không dám mua cá vào. Còn thị trường tôm nguyên liệu vẫn trầm lắng và giữ giá ở mức thấp. Giá các loại tôm nước lợ như tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL hiện giảm bình quân 20.000 - 30.000 đồng/kg so với tháng trước và đang có mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Dự báo tới đây giá tôm trong nước và xuất khẩu vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu nhập tôm tại nhiều nước chưa tăng. 

Hiện sản lượng nuôi tôm nước lợ tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đang hồi phục mạnh sau các đợt dịch bệnh từ những năm trước, trong khi đó, các nhà nhập khẩu chưa vội ký hợp đồng để chờ giá giảm. Dự báo đến hết quý II xuất khẩu thủy sản vẫn chưa thể khởi sắc.

Mai Nguyễn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hạnh - Chúc Ly ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN