Giá thuốc bị đội lên cả trăm lần
Theo nhiều chuyên gia, với một thị trường có tới hơn 10.000 mặt hàng thuốc nhưng mới chỉ khảo sát 36 mặt hàng để làm cơ sở so sánh để nói rằng giá thuốc tại Việt Nam không cao là chưa thuyết phục.
Dù mới đây, cơ quan quản lý đã đưa bằng chứng khẳng định rằng giá thuốc ở Việt Nam không cao, thế nhưng với thực trạng loạn giá thuốc bấy lâu nay khiến dư luận không khỏi hoài nghi.
Chưa thỏa đáng
Để chứng minh rằng giá thuốc ở Việt Nam không cao, mới đây, một đoàn chuyên môn của Bộ Y tế với sự tham gia của nhiều bộ, ngành đã tiến hành khảo sát giá thuốc ở một số nước trong khu vực.
Theo kết quả này, một số thuốc chuyên khoa đặc trị có cùng tên thương mại, cùng hoạt chất, cùng nồng độ và hàm lượng như Rocephin, Zinat 250 mg (500 mg), Augmetin BD, Pulmicort, Diamicron MR, Vastarel MR, Adalat LA, Crestor, Xeloda, Cellcept, Durogesic, Smecta… có giá trúng thầu ở Trung Quốc và Thái Lan cao hơn Việt Nam từ 1 đến hơn 6 lần.
Tuy nhiên, theo nhận định của một dược sĩ, việc đưa ra so sánh giá thuốc chỉ căn cứ vào tên thương mại, hoạt chất, nồng độ và hàm lượng là chưa đủ. Bởi có thể dùng sản phẩm đó, cùng tên công ty sản xuất nhưng đơn vị sản xuất ở các nước khác nhau thì sẽ cho giá thành sản phẩm khác nhau.
“Chẳng hạn cùng là thuốc Zithromax của Công ty Pfizer nhưng nếu sản xuất ở Ý hay Mỹ thì giá sẽ khác ở Ấn Độ hay Trung Quốc. Chính vì thế mới có chuyện nhập khẩu song song để bình ổn giá một số loại thuốc có giá bán cao trên thị trường”- chuyên gia này dẫn chứng.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia khác cho rằng với một thị trường có tới hơn 10.000 mặt hàng thuốc nhưng mới chỉ khảo sát 36 mặt hàng để làm cơ sở so sánh thì chưa đủ thuyết phục.
Người bệnh vẫn phải sử dụng nhiều loại thuốc với giá cao bất hợp lý (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Lòng vòng giá thuốc
Theo tiết lộ của một bác sĩ ở Hà Nội, có rất nhiều loại thuốc khi đến được tay người bệnh giá đã bị đội lên hàng chục lần, thậm chí cả trăm lần. Một loại thuốc mới không có tên tuổi nếu muốn “sống” trên thị trường phải có sự “hỗ trợ” rất lớn của bác sĩ trong việc kê đơn.
Bởi thế mới có chuyện nhiều loại thuốc cùng hoạt chất do Việt Nam, Ấn Độ… sản xuất nhưng lại được bán với giá cao gấp đôi thuốc của Úc, của Pháp. “Nếu như thuốc này không được “làm giá”, “làm đơn” thì tại sao lại có giá cao bất thường và có thể được tiêu thụ nhanh chóng như vậy?”- một bác sĩ bày tỏ.
Không chỉ “làm giá” để bán thuốc mà nhiều khảo sát được công bố đã cho thấy thuốc được mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc được coi như một chiêu của giới kinh doanh để đẩy giá lên cao.
Đơn cử như thuốc Maxazith Suspension 20 ml (hoạt chất là Azithromycin), xuất xứ từ Bangladesh năm 2011 đến cảng Việt Nam có giá chưa đến 16.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, sau khi được 3 công ty nhập khẩu phân phối, thuốc này đến bệnh viện lại có giá đến 92.000 đồng/hộp. Khi bệnh viện bán đến tay người bệnh thì giá của thuốc Maxazith Suspension đã là 107.000 đồng/hộp, tăng gần 7 lần so với giá nhập khẩu.
“Bắt tay” tăng giá thuốc là vô nhân đạo N.Thạnh |