Giá thực phẩm chưa giảm sau Tết
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, tại TPHCM, nhiều loại thực phẩm như rau xanh, thủy hải sản… giá cả vẫn tăng cao, thậm chí có loại tăng gần gấp đôi so với ngày thường.
Thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống vẫn giữ giá cao sau Tết. Ảnh: U.P
Rau xanh giá cao
Ngày 29/1 (mồng 8 Tết), tất cả các chợ truyền thống ở TPHCM đã mở cửa trở lại. Tại chợ Tân Định, Thái Bình (quận 1), Tân Mỹ (quận 7), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Phú Lâm (quận 6)…, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống cho biết, hàng hóa đã về nhiều hơn so với trước đó 2 ngày nhưng giá vẫn khá cao. Cụ thể, xà lách 70.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi so với ngày thường), cà chua 40.000-50.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng), đậu cô-ve 50.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng); tôm thẻ tăng 20.000 đồng/kg, hiện có giá 200.000 đồng/kg (loại 30 con/kg, tôm càng xanh giá 280.000 đồng/kg (tăng 50.000 đồng/kg), cua thịt 360.000 đồng/kg (4 con), tăng gần 100.000 đồng/kg… “Trước Tết, nông dân đã thu hoạch hết để phục vụ thị trường Tết nên bây giờ không còn rau củ. Do đó, giá bị đẩy lên cao” - bà Thủy, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5), nói.
Trong khi đó, tại các siêu thị, giá có phần ổn định hơn nhưng mặt hàng tươi sống chưa phong phú. “Siêu thị gần nhà tôi hầu như chưa có các loại tôm, cá, mực tươi, rau ăn lá cũng chỉ về khá ít và bán hết trong buổi sáng. Vì cần mua các thực phẩm này để cúng giỗ nên mình phải ra chợ dù giá cao gần gấp đôi ngày thường” - chị Bình (ngụ TP Thủ Đức) nói.
Liên hệ với một nhân viên siêu thị tiện lợi ở quận 3, người này cho hay, vì siêu thị mới mở cửa hoạt động bình thường trở lại từ mồng 6 Tết nên đang liên hệ nhà cung cấp nhập hàng. Có thể một vài ngày tới, thực phẩm tươi sống sẽ về nhiều hơn. “Chúng tôi cam kết giữ giá bình ổn sau Tết, cùng với nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu” - người này nói.
Hà Nội: Giá nhiều loại hàng hóa ổn định
Khác với các năm trước, những ngày sau Tết Nguyên đán, tại Hà Nội, hàng hoá tại các hệ thống bán lẻ và chợ dân sinh sau Tết dồi dào, giá cả ổn định, thậm chí các hệ thống bán lẻ còn tăng khuyến mãi để kích cầu do sức mua yếu.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 29/1, tại các chợ dân sinh như: Gia Lâm (Long Biên), Hôm - Đức Viên (Hai Bà Trưng), Nam Trung Yên (Cầu Giấy), Thành Công ( Ba Đình), Xuân La (Tây Hồ)… hoạt động kinh doanh tấp nập trở lại. Đặc biệt, các quầy bán thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, trái cây… mở lại tại hầu hết tại các chợ.
Các loại rau giảm giá mạnh so với những ngày trước và trong Tết. Cụ thể, giá cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa ở mức từ 9.000 đến 15.000 đồng/kg; dưa chuột 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; rau muống 10.000 đồng/bó...
Siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) lần đầu tiên áp dụng chương trình “Khóa giá - bán thịt lợn tươi không lợi nhuận”, qua đó chung tay bình ổn thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.op Hà Nội, siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng cụ thể với các đơn vị sản xuất nên nguồn cung hàng hóa không thiếu.
Đánh giá chung về đợt phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, sức mua yếu, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá phong phú, các siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến. Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10 đến 50%.
Tại Hà Nội, nhiều mặt hàng thực phẩm như rau xanh, thịt, cá đều bình ổn sau Tết
Sức mua yếu
Theo khảo sát, sức mua thực phẩm sau Tết tại chợ và siêu thị ở TPHCM khá yếu. Theo ông Thái Bình Sơn, Trưởng Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), tổng số sạp của chợ là gần 1.700 nhưng chỉ có hơn 1.000 sạp đang hoạt động. Trong đó, ngành hàng thực phẩm có 264 hộ nhưng hiện chỉ còn 162 hộ kinh doanh. Do kinh doanh gặp khó nên tiểu thương thu hẹp hoạt động. “Sau Tết, nhiều tiểu thương mở cửa kinh doanh sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm, lễ cúng của người dân nhưng sức mua rất yếu, lượng khách đi chợ vẫn khá vắng. Chúng tôi đang đẩy mạnh tập huấn để tiểu thương kinh doanh trực tiếp và trực tuyến; ban quản lý chợ cũng sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để thu hút khách đến chợ nhiều hơn” - ông Sơn nói.
Ông Lê Phúc Hậu, Trưởng phòng Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết, sản lượng hàng hóa nhập về chợ đang tăng lên từng ngày, nhưng vẫn còn thấp vì nhiều người còn đi chơi Tết. Đa số cửa hàng, doanh nghiệp sẽ khai trương ngày 30/1 (mồng 9 Tết). “Trước Tết, giá thịt heo mảnh chỉ tăng khoảng 3.000 đồng/kg, các loại trái cây để bán dịp Tết như xoài cát Hòa Lộc, bưởi, dưa hấu, thanh long đã tăng giá từ 7.000 lên 20.000 đồng/kg; rau củ quả tăng từ 1.000 lên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện giá cả đã trở lại bình thường” - ông Hậu thông tin.
Theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền, sản lượng hàng hóa về chợ đang tăng dần trở lại, nhưng vẫn còn thấp hơn ngày thường khoảng 50%, đạt khoảng 800 tấn/ngày. Giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, riêng mực ống, mực lá tăng 10.000 đồng/kg so ngày trước; cá kèo tăng 60.000 đồng/kg, từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng/kg; tôm sú sống tăng 110.000 đồng/kg, từ 280.000 đồng lên 390.000 đồng/kg; ốc hương tăng 110.000 đồng/kg, từ 380.000 đồng lên 490.000 đồng/kg…
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp mở thêm cửa hàng, điểm bán hàng hóa bình ổn phục vụ người dân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư đông. Đến nay, thành phố đã có hơn 10.000 điểm bán hàng hóa bình ổn. “Sở Công Thương TPHCM cũng tăng cường phối hợp với các ban, ngành kiểm tra, giám sát kịp thời khắc phục hạn chế; bảo đảm chất lượng hàng hóa, niêm yết, công khai giá bán, bình ổn thị trường, bảo đảm đời sống nhân dân và an sinh xã hội” - ông Vũ cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Ở một số chợ giá thịt heo có sự biến động, trong khi siêu thị cam kết tiếp tục khuyến mãi