Giá thức ăn chăn nuôi bị thao túng ?

Trong khi giá thực phẩm (lợn, gà…) vẫn tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu hồi phục, thì tại thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi trong nước lại tiếp tục tăng.

Chăn nuôi thua lỗ, vốn lại không vay được, khiến nhiều hộ nông dân buộc phải bán cả heo non để lấy tiền mua cám...

Nông dân phải bán cả heo non

Theo khảo sát của phóng viên, tại thời điểm này, trung bình giá các loại thức ăn chăn nuôi (TACN) như cám gạo, đậu nành, sắn lát… tăng trung bình khoảng 10%, tùy từng mặt hàng. Ngược lại với việc tăng giá của TACN, giá bán heo xuất chuồng giảm chỉ còn từ 37.000 – 38.000 đồng/kg (trong khi giá thành sản xuất ít nhất phải mất 45.000 đồng/kg).

Ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói: “Người chăn nuôi “chết” gần hết rồi. Giá thức ăn tăng, nhiều hộ không còn tiền mua cám đã phải bán cả heo non, chưa tới lứa xuất chuồng. Dù biết rằng bán như vậy sẽ bị thương lái ép giá nhưng họ đã đến đường cùng rồi, vay tiền mua cám thì ngân hàng không cho”.

Bà Trần Thị Lan ở huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phải bán đàn heo hơn 100 con của mình với giá chưa tới 30.000 đồng/kg, cũng vì lý do hết tiền mua cám. Bà chua xót nói: “Xót ruột lắm! Đàn heo mơn mởn như thế, mà họ trả rẻ như bèo. Thương lái ép giá vì nói heo nhà tôi còn non, chưa tới kỳ xuất chuồng. Chúng tôi đã ráng cầm cự hơn 10 ngày nay, nhưng vì giá cám ngày càng lên, đành phải bán vội thôi”.

Giá thức ăn chăn nuôi bị thao túng ? - 1
Giá TACN tăng cao, không có tiền mua cám, nhiều hộ chăn nuôi phải bán cả heo non.

Áp lực kiếm tiền mua cám đang là áp lực đè nặng lên vai người chăn nuôi mỗi ngày hiện nay. Anh Vũ Đình Khôi có trang trại heo gần 1.000 con ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, hiện sức mua thịt trên thị trường vẫn thấp, với giá TACN tăng ngất ngưởng như hiện nay, để có thể duy trì đàn heo thêm 1 tháng nữa, sẽ phải mất 500 triệu đồng. “Rẻ lắm, nhưng đành phải bán bớt lợn đi thôi” - anh Khôi buồn bã.

Vì sao giá tăng bất thường?


Việc tăng giá TACN vào thời điểm này khiến các hộ chăn nuôi khá sốc, bởi trong khi giá đầu ra (thực phẩm) tiếp tục giảm, thì không hiểu sao, giá đầu vào (TACN) lại tăng. Lý giải điều này, theo ông Phạm Đức Bình- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Bình (chuyên về nhập khẩu và sản xuất TACN ở Đồng Nai), là do tình trạng mất mùa ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Nga... dẫn đến thiếu nguyên liệu sản xuất TACN.

Theo dự báo của ông Bình, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ còn đẩy giá TACN lên nữa trong vài tháng tới. Một nguyên nhân nữa, theo phân tích của ông Bình: Nghịch lý hiện nay là giá TACN của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, do ngành sản xuất TACN phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, lại chịu nhiều mức thuế, lãi suất ngân hàng, cước vận tải cao. “Nếu chúng ta bỏ được thuế VAT 5%, lãi suất ngân hàng chỉ là 5 – 7% như Thái Lan và “dẹp” được các cấp bán hàng qua trung gian thì giá thành TACN sẽ giảm tới 20%. Khi đó sẽ giảm áp lực cho người chăn nuôi rất nhiều” – ông Bình cho hay.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Trọng Bình- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá TACN tăng hiện nay có thể là do việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bị một số công ty thao túng, dẫn đến độc quyền. TS Bình cho rằng: Nhìn tổng thể, thị phần TACN không có vấn đề gì, nhưng đang có hiện tượng các doanh nghiệp khống chế, độc quyền từng dòng sản phẩm. Nghĩa là đối với mỗi dòng sản phẩm như khô dầu đậu tương, ngô… sẽ có những doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu, phân phối, nên họ có thể tăng giá lúc nào cũng được.

Một vấn đề nữa, theo TS Bình, chúng ta hiện không có thông tin nghiên cứu để làm rõ, giá thành TACN từ khi nhập cảng đến khi phân phối cho người chăn nuôi tăng gấp bao nhiêu lần. Từ đó dẫn đến việc chúng ta không minh bạch được thông tin, xem doanh nghiệp nhập khẩu cụ thể lãi bao nhiêu để tính thuế giá trị gia tăng.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN VN thì cho rằng: “Sở dĩ giá TACN trong nước tăng là do, các doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm tới 65% thị phần TACN tại Việt Nam hiện nay và sắp tới sẽ còn có nhiều nhà máy TACN nước ngoài được đầu tư xây dựng. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa có cơ quan nào có thể điều hành, quản lý các doanh nghiệp này”.

TS Bình cho rằng: “Việc giảm giá TACN trong giai đoạn này là yếu tố sống còn đối với ngành chăn nuôi nước ta và phải giảm bằng được, bởi nếu giá cứ tăng cao, người chăn nuôi trong nước sẽ không thể duy trì được chăn nuôi, từ đó một làn sóng thực phẩm giá rẻ sẽ tràn vào nước ta”. Để giảm giá TACN, TS Bình đề nghị: “Cần minh bạch giá TACN theo chuỗi từ khi nhập khẩu đến khi phân phối sản phẩm, không thể để doanh nghiệp nhập khẩu lãi quá nhiều; Tạo ra nhiều đầu mối nhập khẩu đối với từng dòng sản phẩn, thậm chí có thể tiến hành đấu thầu việc nhập khẩu TACN...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện chúng ta có tới 245 doanh nghiệp nhập khẩu TACN và chỉ có 50 nhà máy sản xuất TACN của nước ngoài, trong đó doanh nghiệp chiếm thị phần cao nhất là Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam C.P với 18%”.
Ngọc Lê (ghi)

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh - lê Hân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN