Giá thịt lợn "xuống đáy": Nông dân vừa gánh lỗ, vừa gánh ế

Giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng liên tiếp, nguồn mua thịt lợn giảm đã đẩy giá thịt lợn xuống thấp. Kéo theo đó là hệ quả thua lỗ, ế ẩm của người chăn nuôi. Tâm lý bỏ chuồng trại, không dám đầu tư vào nuôi lợn xuất hiện ngày càng nhiều

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Loan, xóm Trại Lợn, xã Trung Mỹ, Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết, trang trại lợn của bà tuỳ từng thời điểm vào đàn từ 50-200 con lợn giống. Bà là một trong số nhiều hộ chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại và chủ yếu xuất bán cho các công ty chăn nuôi. Tuy nhiên, gần một năm nay, càng nuôi lợn càng lỗ vì tình trạng ế ẩm.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, nhu cầu sử dụng thịt lợn giảm là nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn xuống "đáy".

Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, nhu cầu sử dụng thịt lợn giảm là nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn xuống "đáy".

"Đây là giai đoạn người chăn nuôi như chúng tôi cảm thấy "bế tắc" nhất, thời điểm COVID cũng không đến nỗi ế ẩm như thế này", bà Loan chia sẻ. Bà là một trong những người đã có thâm niên nuôi lợn hàng chục năm, và năm nay, bà quyết định sẽ tạm bỏ trống chuồng sau khi bán được hết những con còn đang ế trong chuồng. Chính vì giá lợn xuống thấp, hiện nay mỗi con lợn bà đang chịu lỗ 1 triệu đồng/con. Lợn trong chuồng do không bán được mà ngày nào cũng vẫn "ngốn" tiền cám bã nên chúng đều có trọng lượng rất to, từ 110-120kg/con.

"Càng nuôi càng lỗ nhưng dù giá rẻ cũng không bán được. Trước đây, mỗi ngày xuất chuồng 10-20 con, nhưng bây giờ cả tuần không bán được con nào", bà Loan cho biết. Bà cũng chia sẻ thêm, mức lỗ như của gia đình bà còn thấp vì diện tích rộng, bà trồng khoai, sắn phơi khô nghiền cùng thức ăn chăn nuôi, giảm được phần nào tiền thức ăn. Chứ nhiều hộ khác, số lỗ phải lên tới 3-4 triệu đồng/con.

Ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho rằng, giá lợn hơi hiện nay xuống quá thấp, trong khi chi phí đầu vào trong chăn nuôi rất cao. Cộng thêm thời điểm này, nhiều khu công nghiệp trong cả nước đều giảm lượng công nhân nên nhu cầu tiêu thụ lợn hơi giảm dẫn đến giá lợn không những giảm mà còn ế ẩm. "Hơn 2 tháng nay, số lượng lợn hơi mỗi ngày buôn bán, tiêu thụ qua chợ đầu mối trung bình chỉ từ 7 - 10 xe, tương đương từ 1.000 - 1.800 con, giảm khoảng 40% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán", ông Chinh thông tin.

Theo khảo sát, giá thịt lợn trên thị trường cả nước ngày 27/3 đi ngang ở cả 3 miền và vẫn ở mức thấp. Mức giá giao dịch cao nhất là 52.000 đồng/kg, Trong đó, lợn hơi tại hai tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc được giao dịch cùng mức 49.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không ghi nhận biến động mới, hiện thu mua heo hơi với giá 48.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg. Ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá thịt lợn hơi đang giao dịch ở mức 48.000 đồng/kg là mức thấp nhất khu vực tập trung tại các địa phương bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi.

Cùng thời điểm khảo sát, giá lợn hơi tại hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận duy trì ở mức 51.000 đồng/kg. Các địa phương khác tiếp tục thu mua lợn hơi với giá trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg. Ở miền Nam, các tỉnh Cà Mau và Vũng Tàu có mức giao dịch 52.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá lợn hơi không ghi nhận biến động mới. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh, thành dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, nguyên nhân giá lợn hơi giảm do nguồn cung dồi dào mà lượng tiêu thụ thì chậm. Điều đáng nói là, dù giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian qua nhưng chi phí chăn nuôi mỗi ngày lại tăng thêm. Đến thời điểm này, giá cám tăng hơn 100.000 đồng/ bao 50kg, hiện ở mức 350.000 đồng/bao cho lợn sinh sản; hơn 400.000 đồng/bao 50kg cho lợn thịt. Với mức giá thức ăn này cộng với công chăm sóc trung bình mỗi con lợn từ lúc bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng tăng lên từ 5,5 - 5,7 triệu đồng/con, trong khi trước đây chi phí này chỉ khoảng 3,7 - 4 triệu đồng/con.

Một nguyên nhân khác dẫn đến giá thịt lợn giảm, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành Chăn nuôi chưa bao giờ gặp khó khăn như năm 2022 khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá lợn hơi, thịt gia cầm lại giảm mạnh. Năm 2022, Việt Nam đã chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, tăng 9,1% so với năm 2021. "Nhìn từ sức tiêu thụ thực tế, giá thịt lợn có thể giảm tiếp và neo ở mức thấp trong 2-3 tháng tới, sau đó sẽ tăng dần với điều kiện sức mua cải thiện khi kinh tế phục hồi", ông Dương nhận định.

Còn ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi thì đỡ lỗ hơn vì giá thành là 50.000 - 52.000 đồng/kg lợn hơi, còn nông hộ giá thành khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 45.000 - 48.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Trọng, hiện đàn lợn cả nước đang duy trì trên 28 triệu con, đàn nái duy trì 2,9 triệu con. Tết Nguyên đán vừa qua, đáng lẽ nhu cầu tiêu thụ phải tăng nhưng thực tế lại không tăng. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến thu nhập người dân bị giảm, sức mua giảm. Như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam mỗi ngày bán ra 15.000 - 17.000 con, nhưng vẫn bị tồn.

Để ngành chăn nuôi lợn phục hồi được, ông Dương kiến nghị cơ quan chức năng quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm. Có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm; tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi nội địa...

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đưa ra quan điểm, với giá lợn hơi từ 47.000 - 49.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn thua lỗ, còn các trang trại khép kín thì có lãi nhưng không đáng kể. Nhưng do đây là ngành kinh tế nên phải chấp nhận việc phụ thuộc vào giá cả, vào quy luật thị trường. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng đàn lợn cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Ước cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022.

Tận thấy trại nuôi cua biển trong hộp nhựa đầu tiên ở Hà Tĩnh

Đôi vợ chồng ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư hơn 700 triệu đồng nuôi cua biển trong hộp nhựa. Đây là mô hình đầu tiên tại địa phương này, tạo hướng đi mới cho nghề...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chi Linh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN