Giá thịt lợn giảm vô tình kìm chỉ số giá tiêu dùng 2017

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2017 tăng 3,61% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó CPI lõi tăng 1,42%.

Diễn biến lạm phát trong năm 2017 bị chi phối mạnh bởi các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Các đợt tăng giá viện phí và học phí trong năm qua đã đóng góp tới 2,3% vào tổng mức tăng chung. Bên cạnh đó, theo ước tính của CTCK Rồng Việt (VDSC), đợt tăng giá điện bình quân 6,08% đầu tháng 12/2017 đẩy CPI năm 2017 tăng 0,08%.

Ở chiều ngược lại, diễn biến giá thịt lợn giảm mạnh hồi giữa năm vô hình chung trở thành nhân tố kìm hãm CPI, lấy đi 0,38 điểm phần trăm.

Việc CPI lõi dao động ổn định dưới 2% phần nào cho thấy không có sự bứt phá nào từ phía tổng cầu. Điều này thể hiện ở doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng ổn định quanh mức 10%/năm. Đây chính là một biến số quan trọng trong công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng nhà nước khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm duy trì ở mức cao, khoảng 19%-20%.

Giá thịt lợn giảm vô tình kìm chỉ số giá tiêu dùng 2017 - 1

VDSC ước tính CPI 2018 sẽ tiếp tục dao động quanh mức mục tiêu 4% do Chính phủ đề ra. Cơ sở cho nhận định trên gắn với ba yếu tố cốt lõi, gồm:

Chính phủ kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa thông qua việc tổ chức đấu thầu giá với mục tiêu giảm từ 10%-15% giá thuốc. Trong khi đó, việc rà soát, thanh kiểm tra các dự án BOT cũng đạt được những kết quả tích cực qua việc giảm phí tại nhiều trạm thu phí trên cả nước. Các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế sẽ tăng chậm lại trong giai đoạn 2018-2020. Hơn nữa, giá điện bình quân có tăng thì cũng đã tăng trong tháng cuối cùng của năm 2017;

Năm 2018 được dự báo tốc độ hồi phục giá hàng hóa thế giới chậm lại. Theo dự báo của World Bank, chỉ số giá mặt hàng năng lượng chỉ tăng nhẹ 1,4% và 2,2% trong 2018 và 2019. Giá dầu thô được kỳ vọng giao động trong biên độ 55-60 USD/thùng. Trong khi đó, giá các sản phẩm nông nghiệp và kim loại có thể giảm nhẹ;

Mức lạm phát tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU duy trì ở mức thấp dưới 2%, qua đó làm giảm nguy cơ nhập khẩu lạm phát bất chấp tiền đồng giảm giá tương đối so với các ngoại tệ mạnh trong khu vực.

Dựa trên những diễn biến lạm phát trên cùng bối cảnh kinh tế hiện tại, có thể khẳng định chưa có dấu hiệu đảo chiều trong chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Anh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN