Giá thịt lợn cao: Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào đã hưởng lợi?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành làm rõ vấn đề có hay không tình trạng trục lợi ở giá thịt lợn và nêu ra biện pháp xử lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao
Sáng nay (21/4), chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4%. Đây là chỉ tiêu quan trọng bởi nếu CPI tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Cho rằng tình hình giá cả trong quý I vừa qua đã được Tổng cục Thống kê công bố “chưa phải đến nỗi nào”, Thủ tướng nói, hiện mức xăng dầu đang xuống mức thấp nhất, tuy nhiên, nguy cơ tăng giá trong năm nay đối với nước ta vẫn ở mức cao. Do đó, Ban Chỉ đạo cần chủ động, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Thủ tướng đề nghị các thành viên tập trung phân tích những yếu tố thiết thực, nhất là nhu yếu phẩm, đặc biệt là vấn đề giá thịt lợn. Hôm nay, Bộ Công thương sẽ báo cáo việc thanh tra giá thịt lợn.
Hiện giá bán lợn thịt đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều so với giá thành. Thủ tướng cho biết, Nhà nước đã bỏ ra mười mấy nghìn tỷ đồng để phục hồi, tái đàn. Thủ tướng đặt câu hỏi, vậy có tình trạng trục lợi ở giá thịt lợn hay không và yêu cầu các bộ, ngành làm rõ vấn đề này, đưa ra biện pháp xử lý.
“Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào đã hưởng lợi rất lớn, trong khi một vài công ty lớn đã công bố số lãi rất khủng?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm này với các biện pháp cụ thể.
Điều hành giảm giá thịt lợn xuống mức 60.000 đồng/kg
Một vấn đề nữa cần thảo luận là tác động của các gói hỗ trợ (với tổng số khoảng 600.000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP) mà Chính phủ đưa ra đối với mặt bằng giá cả như thế nào. Cùng với đó là tác động của việc tăng lương vào ngày 1/7/2020, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như tác động của tình hình dịch bệnh cũng như vấn đề giá điện, nước, vật tư y tế, sách giáo khoa, dịch vụ vận tải, giá vật liệu xây dựng…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, với những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước trong quý I và đầu quý II cho thấy, mặc dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất (CPI sẽ tăng hơn mức 4%) vẫn có thể xảy ra. Lợi thế hiện nay là giá xăng dầu đang được điều hành giảm mạnh; giá gas trong nước cũng giảm khá sâu theo giá thế giới. Giá điện được miễn giảm cho một số đối tượng trong 3 tháng (4, 5, 6) theo công văn của Bộ Công thương.
Như vậy, cần phải tiếp tục quyết liệt trong việc điều hành với các giải pháp mạnh để bảo đảm đủ nguồn cung, trên cơ sở đó điều hành giảm giá thịt lợn xuống mức 60.000 đồng/kg đồng thời có giải pháp quản lý phù hợp để giữ bình ổn giá gạo trong nước không để tăng đột biến.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo, phân tích thêm về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7 ± 0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI đưa ra 2 mức dự báo với mức cao là 4,0- 4,3%, mức thấp là 3,3-3,7%.
Trong khi giá lợn hơi tăng liên tục tới 15 nghìn/kg trong một tuần, thì giá gia cầm và trứng lại rẻ như mớ rau.
Nguồn: [Link nguồn]