Giá thịt hơi xuống đáy, vì sao vẫn nhập khẩu thịt lợn?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định nhập khẩu thịt lợn không ảnh hưởng tới tiêu thụ trong nước. Năm 2016 chỉ nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan, kim ngạch 44 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ.

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 4/5, người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Nhiều mặt hàng nông sản giá còn thấp; đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây hậu quả lớn cho người chăn nuôi. Trong khi giá thịt lợn hơi thấp thì giá thịt tại chợ, siêu thị vẫn cao, 80.000 – 100.000 đồng một kg.

“Có những thời điểm giá thịt hơi chỉ đạt 50% so với giá hoà vốn, xuống tới 15.000 – 18.000 đồng một kg. Tuy hiện giờ giá thịt hơi đã nhích lên đôi chút, nhưng vẫn ở mức thấp.

Nghịch lý là giá thịt hơi xuống nhưng giá thịt trên thị trường vẫn ở mức cao. Tinh thần của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo đó, người phát ngôn Chính phủ đưa ra các giải pháp, trong đó ngoài hạ giá thành sản xuất, về lâu dài cần điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành chăn nuôi cho phù hợp với thị trường.

Giá thịt hơi xuống đáy, vì sao vẫn nhập khẩu thịt lợn? - 1

Hình minh họa

Đưa ra các giải pháp căn cơ cho thực trạng này,  ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cho biết: Thứ nhất, giải quyết tốt quan hệ cung cầu, không để đứt quãng; rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn chăn nuôi có cơ cấu hợp lý. Thứ hai, trước mắt Bộ sẽ có giải pháp kiểm soát lợn nái, tổ chức liên kết chuỗi và lâu dài sẽ đề xuất với Chính phủ không hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi mà sẽ hỗ trợ qua chuỗi. Thứ ba, mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc để tăng xuất khẩu thịt lợn.

Vì sao vẫn nhập khẩu thịt lợn?

Trong khi đó, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định nhập khẩu thịt lợn không ảnh hưởng tới tiêu thụ trong nước. Ông Hải dẫn con số nhập khẩu mặt hàng này năm 2016, khi chỉ nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan, với kim ngạch 44 triệu USD, chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ mặt hàng này trong nước.

Về tạm nhập tái xuất, năm 2016 nhập 20 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm liên quan thịt lợn. Tuy nhiên, để tránh thẩm lậu mặt hàng này, Ban chỉ đạo 389 đã đề xuất tạm ngừng hoạt động này và đã được Chính phủ đồng ý.

Lý giải chuyện Việt Nam vẫn khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong khi nhập về nhiều, ông Hải cho hay, trong khu vực ASEAN Việt Nam chỉ ký được hiệp định thú ý, chứng nhận kiểm dịch với 2 thị trường là Hồng Kông, Malaysia. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ xuất được sản phẩm lợn sữa (20 – 30kg một con), sản lượng rất ít. Vì thế, xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch.

Năm 2016 đã có 600.000 tấn thịt lợn được xuất qua tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc, nhưng từ đầu năm 2017 thị trường này kiểm soát khắt khe chất lượng nên đã ảnh hưởng tới việc xuất khẩu mặt hàng này. “Để tăng xuất khẩu bằng chính ngạch, việc đầu tiên ngành nông nghiệp cần tăng chất lượng sản phẩm, ký kết kiểm dịch thú ý với các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Hải nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, số lượng bà con nông dân vay nợ ngân hàng chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng. Trong đó dư nợ của cá nhân và hộ gia đình là 25.800 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 90%, còn lại 10% là doanh nghiệp, hợp tác xã.

 “Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi có văn bản cho ngân hàng thương mại đề nghị tạm hoãn hoặc không chuyển nợ nhóm với thời hạn thích hợp cho bà con. Đề nghị căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ lãi suất, đặc biệt quan tâm, xem xét từng trường hợp cụ thể để miễn, giảm lãi suất, kể cả lãi suất quá hạn để giảm khó khăn cho bà con. Nếu bà con tiếp tục có nhu cầu nuôi lợn tiếp, đảm bảo có lãi thì NH thương mại tiếp tục cho vay thêm”- vị đại diện này nêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Huyền (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN