Giá thịt giảm, trái cây tăng
Một số mặt hàng đặc trưng Tết có biến động giá nhưng không ảnh hưởng đến thị trường chung.
Chiều 17-1, đại diện các chợ đầu mối và hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn TP HCM đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM về tình hình cung ứng hàng tươi sống từ nay đến Tết nguyên đán.
Giá rau củ hạ nhiệt
Tại buổi làm việc, các đơn vị cho biết lượng hàng cung ứng ra thị trường từ nay đến Tết khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân TP HCM. Lượng rau củ quả, trái cây, thủy sản, hải sản, thịt heo… các nơi đổ về chợ đầu mối đang tăng lên từng ngày; dự báo từ ngày 23 tháng chạp (20-1) sẽ tăng mạnh đến 28-29 tháng chạp.
Các siêu thị dự báo những ngày cận Tết, giá nhiều loại trái cây sẽ còn tăng cao do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết lượng hàng về chợ đã tăng 150-200 tấn/ngày đêm so với đầu tháng 1-2017, từ 2.650 tấn lên mức 2.800-2.900 tấn/ngày đêm. Dự kiến từ 23 đến 28 tháng chạp, lượng hàng sẽ tăng khoảng 70%-100%.
Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức dự kiến từ 26 đến 28 tháng chạp, chợ sẽ tiếp nhận khoảng 6.500-7.000 tấn rau củ quả/ngày đêm, trong đó có 2.300-2.500 tấn là rau củ các loại, 4.200-4.500 tấn trái cây. Trong khi đó, lượng hàng về chợ đầu mối Bình Điền đang dao động khoảng 700-750 tấn/ngày đêm, dự kiến đến cao điểm 25-29 tháng chạp sẽ tăng 40%-45%.
Theo các chợ đầu mối, sản lượng rau lá từ Đà Lạt đã phục hồi. Song song đó, nguồn rau từ các vùng lân cận TP HCM cung ứng cho thị trường Tết đang tăng nên giá dần hạ nhiệt và đi vào ổn định.
Các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM cũng cho biết đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp về số lượng hàng nhập kho mỗi ngày, bảo đảm đủ hàng tươi sống cung ứng cho người dân ăn Tết. Theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc Phòng Kinh doanh Thực phẩm - Saigon Co.op, đơn vị này thu mua rau củ quả trực tiếp từ các nhà vườn, lượng hàng đã ổn định và có kế hoạch trước nên không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá. So với 2 tuần trước, mặt bằng giá rau giảm 10%-15% do vùng rau ăn lá ở Lâm Đồng đã phục hồi, rau ôn đới phía Bắc đổ về TP HCM và vùng rau lân cận TP cũng chia sẻ sự thiếu hụt một số nhóm hàng từ Lâm Đồng.
Trái cây Tết hút hàng
Trong khi nguồn cung, giá cả mặt hàng rau củ đang đi vào ổn định thì một số mặt hàng trái cây tiêu dùng nhiều trong ngày Tết được dự báo thiếu và giá sẽ tăng.
Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc chính gốc sản lượng ít, nhu cầu tiêu thụ cao nên luôn đội giá dịp Tết. Sản lượng bưởi khu vực Đông Nam Bộ cung ứng cho TP HCM giảm nhiều; bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long cũng giảm sản lượng do bị nhiễm mặn. Ngoài ra, quýt tiều, quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) cũng giảm nên theo các siêu thị và chợ đầu mối, giá các mặt hàng này sẽ tăng cao trong những ngày cận Tết. Bù lại, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn thay thế do lượng trái cây từ miền Bắc như cam Canh, cam Hà Giang và trái cây miền Tây đổ về TP HCM rất nhiều.
Cùng với trái cây, theo thông lệ, sức tiêu thụ mặt hàng thịt heo cũng sẽ tăng mạnh trong những ngày cuối năm. Giá heo hơi trên thị trường đang có xu hướng giảm do Trung Quốc ngưng mua. Thịt heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn còn khoảng 42.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với tháng trước.
Các doanh nghiệp dự báo từ nay đến Tết, giá thịt heo sẽ không biến động. Đặc biệt, trong 3 ngày cuối năm, Công ty Vissan phối hợp với các đơn vị bán lẻ giảm giá thịt heo 10%. Mặt hàng thịt - trứng gà, vịt cũng sẽ giảm giá trong những ngày này.
Đại diện Lotte Mart cho hay lượng thịt heo tiêu thụ tại hệ thống trong Tết này dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thịt bò tăng 5%-10% (trong đó tiêu thụ bò ngoại tăng đến 40%). Sản lượng cá tăng trung bình 5%-10%, dù vậy sức mua mặt hàng cá biển vẫn chưa hồi phục sau sự cố môi trường ở miền Trung. Lượng cá thu, cá bóp bán tại Lotte Mart đã giảm 30%-40% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, yêu cầu các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến thị trường, kịp thời báo về sở khi có biến động để phối hợp xử lý.
Lo khâu vận chuyển Một số đơn vị cho biết đang sắp xếp lại khâu phân phối để bảo đảm kế hoạch kinh doanh. Chợ đầu mối Thủ Đức khuyến khích thương nhân đưa hàng về chợ ban ngày để tránh quá tải, dồn ứ vào ban đêm. Chợ đầu mối Hóc Môn thì lên kế hoạch mở - đóng cửa chợ thịt phù hợp trong những ngày cao điểm. Trong khi đó, Saigon Co.op tính toán thuê thêm kho ở nội thành để trung chuyển hàng hóa về các điểm bán nhằm hạn chế tình trạng thiếu hàng cục bộ do vận chuyển khó khăn. |