Giá thép trong nước “nhảy múa” theo thế giới, Việt Nam làm gì để tự chủ?
Giá thép trong nước biến động theo giá thế giới, do nguyên liệu sản xuất hầu hết phải nhập khẩu. Cần tự chủ ngành thép, tránh biến động.
Tăng chuỗi giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất
Nguyên vật liệu chiếm tới 90% cấu thành giá sản xuất thép, nên khi nguyên vật liệu tăng, đẩy giá thép trong nước lên cao. Giá thép tăng phần lớn do mặt bằng giá thế giới. Vậy, cách nào để tự chủ ngành thép, tránh phụ thuộc vào biến động thế giới?
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phân tích, Trung Quốc đang chiếm tới 60% sản lượng thép thô toàn cầu. Nhưng diễn biến của thị trường này thời gian qua đã đẩy giá thép thế giới tăng cao, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi nhập khẩu nhiều từ thị trường này.
Hiện giá thép vẫn neo mức đỉnh khoảng 18,6-20,6 triệu đồng/tấn (phá mức đỉnh 18 triệu đồng năm 2021), tăng gần gấp đôi so với thời điểm ổn định (ngưỡng 10-13 triệu đồng/tấn)...
Trong khi, dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, tuy nhiên, nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ sản xuất thép hầu hết phải nhập khẩu.
Do đó, thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu. Bởi vậy, chỉ còn cách sử dụng quy luật cung cầu của thị trường nội địa để hạ nhiệt giá mặt hàng này mới bền vững.
Vậy, thực hiện bằng cách nào? Theo đại diện VSA, Hiệp hội này đã kiến nghị các nhà sản xuất thép nghiên cứu đầu tư tăng chuỗi giá trị gia tăng trong suốt quá trình sản xuất thép.
Trong đó, cần tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định trên thị trường quốc tế với giá cả hợp lý. Tính toán các hợp đồng dài hạn để chủ động nguồn cung và ổn định giá.
Đồng thời, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nhằm thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài.
Thực tế, ông Đặng Việt Thanh, Trưởng phòng Công nghệ, Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết, hiện nay Hòa Phát có thể tự chủ các mặt hàng thép mới thay thế hàng nhập khẩu như sản phẩm thép cuộn chất lượng cao, thép rút...
“Làm được như vậy là nhờ công nghệ tinh luyện và khử khí của Hòa Phát tân tiến và tối ưu nên đảm bảo các yêu cầu cao của các mác thép này”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, thép cuộn cán nóng HRC là một trong những mặt hàng thép trước đây Việt Nam chưa thể sản xuất, thì nay là niềm tự hào cho sự trưởng thành của Hòa Phát. Sản phẩm được dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại ống thép, tôn lợp và các sản phẩm đặc thù khác như vỏ container…
Trong năm 2021, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 2,6 triệu tấn HRC. Thị trường Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 14 triệu tấn HRC/năm. Sản lượng của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
Do đó, Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm.
Cần cơ chế thúc đẩy thăm dò, khai thác khoáng sản
Còn về tự chủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đại diện VSA cho rằng, dù Việt Nam có các mỏ quặng sắt như Thạch Khê (Hà Tĩnh), Quý Xa (Lào Cai) được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, nhưng việc khai thác không thuận lợi.
Mới đây, sau nhiều năm “đắp chiếu”, tỉnh Hà Tĩnh đã có kiến nghị chấm dứt dự án tuyển quặng sắt Thạch Khê, đóng mỏ ít nhất đến năm 2070 để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch. Trong khi, Chính phủ cũng vừa chấp thuận đề xuất của tỉnh Lào Cai cho phép khai thác 1 triệu tấn quặng sắt tại mỏ sắt Quý Sa nhằm khôi phục sản xuất của Nhà máy gang thép Việt-Trung, song vẫn tiếp tục tái cơ cấu và đánh giá hiệu quả...
Bày tỏ quan điểm về tự chủ ngành thép, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhìn nhận, hiện chúng ta đã phần nào tự chủ được nguồn cung thép thành phẩm. Bằng chứng là trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ở vị trí số 1, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng thép thô của khu vực này.
Trong 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam phát triển rất mạnh, cho đến năm 2020, ngành thép Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 14 thế giới. Năm 2020, sản xuất thép thô của Việt Nam đã đạt mức rất cao 19,5 triệu tấn/năm, từ mức 2,4 triệu tấn năm 2000. Đây là sự phát triển khá cao trên thị trường thép quốc tế.
Tuy nhiên, để tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, rất cần nhà nước có những chính sách về khai thác khoáng sản.
“Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng”, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
Nhiều dự án giao thông cấp bách của Hà Nội nguy cơ không hoàn thành tiến độ do ảnh hưởng của giá sắt thép tăng cao kỷ lục.
Nguồn: [Link nguồn]