Giá sữa vẫn cao vút vì lương, điện và tỷ giá

Sữa nguyên liệu giảm giá mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn đang phải mua sữa thành phẩm giá cao chót vót. Điều này, được các chuyên gia lý giải là do giá sữa chịu sức ép từ giá điện, tỷ giá… khiến sữa thành phẩm không thể điều chỉnh giảm giá.

Nguyên liệu giảm sâu, giá sữa vẫn đứng im

Từ tháng 3 đến nay, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm ít nhất 20 - 25%, thậm chí nhiều lúc giảm gần 50%. Thế nhưng trong nước, giá sữa thành phẩm đến tay người tiêu dùng không hề giảm, thậm chí còn tăng. Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, sữa nguyên liệu ngoại nhập hiện đang chiếm hơn 70% thị trường trong nước với giá trị nhập khẩu hằng năm ở mức gần 1 tỉ USD. Dù phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhưng khi giá sữa nguyên liệu thế giới có hiện tượng dư thừa nguồn cung, giảm liên tục thời gian qua và có nhiều thời điểm “kịch sàn”, thấp nhất trong vòng 12 năm qua thì giá sữa thành phẩm trong nước vẫn “bình chân như vại”.

Giá sữa vẫn cao vút vì lương, điện và tỷ giá - 1

Nhiều người bức xúc vì giá sữa vẫn không giảm khi giá nguyên liệu giảm sâu. Ảnh: Đ.A

Giải thích hiện tượng bất thường này, một số doanh nghiệp sữa cho biết, giá nguyên liệu sữa gần đây giảm nhưng mức giảm vậy không giúp doanh nghiệp bù nổi các chi phí khác đang leo thang như lương nhân viên, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, điện, nước...

Chị Nguyễn Thị Bình, chủ đại lý sữa trên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội cho biết: “Nhiều khách đến mua sữa cho con cũng thắc mắc với tôi là giá nguyên liệu sữa giảm vì sao giá sữa vẫn cao. Tôi chỉ biết lý giải là giá nhập vào vẫn không đổi thì không thể giảm giá sữa”.

“Với những mặt hàng nhập về bán sang tay ngay cho người tiêu dùng như sữa, ai bán hàng cũng muốn bán giá thấp nhưng nhập cao thì không thể giảm giá. Giá sữa trên thị trường, hầu hết phải theo giá niêm yết của hãng, đại lý, cửa hàng chỉ ăn phần trăm chiết khấu. Hiện tại, không có bất kỳ động thái thông báo giảm giá sữa nào từ các hãng sữa”, chị Bình giải thích thêm.

Theo đó, trên thị trường các loại sữa bột trong nước sản xuất dành cho trẻ em từ 1- 6 tuổi như sữa bột Vinamilk, Nesle, Dutch lady… vẫn dao động ở mức 300.000 - 325.000 đồng/hộp 900g; Sữa ngoại nhập như Similac, Friso, Meiji… vẫn dao động ở mức 380.000 – 498.000 đồng/hộp 900g.

Lương, điện, tỷ giá…ngăn sữa giảm giá?

Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, hiện tại một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, châu Úc có xu hướng giảm khoảng 20%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng giải thích rằng, trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, ngoài giá nguyên liệu sữa, mặt hàng sữa thành phẩm còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Ví dụ lương tối thiểu vùng sẽ tăng 14% trong năm 2015, khoản chi phí này có thể tác động đến chi phí tiền lương và chi phí đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động: Xóa bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi; Giá điện tính từ 16/3 tăng khoảng 7,5%. Hay từ khi thực hiện bình ổn giá (tháng 6/2014) đến nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 5%, trong khi các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm 0,1- 34%. Cùng lúc nhiều yếu tố tác động đến giá sữa tăng như trên thì việc giảm giá nguyên liệu đối với giá sữa thành phẩm là không đáng kể để giá sữa giảm.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn thì hiện Bộ Tài chính đang theo dõi sát sao diễn biến giá sữa nguyên liệu qua thông tin của cơ quan Hải quan để có biện pháp phù hợp. Mặt khác, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên rà soát, kiểm tra việc xác định giá tối đa, kê khai giá. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân tính toán, phân bổ chi phí hợp lý. Theo đó các hãng sữa phải xác định các khoản chi phí trong cơ cấu giá sản phẩm theo quy định về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính đã ban hành. Sau đó, phải thực hiện so sánh với sản phẩm tương quan để xác định mức giá tối đa cho sản phẩm của mình chuẩn bị đưa ra thị trường. Mức giảm tối đa tại bước này tiết giảm so với bước 1 khoảng 5-10%. Từ ngày 1/6 đến hết tháng 8, đã có 39 sản phẩm mới ra thị trường và được xác định giá tối đa giảm từ 5-10% so với yếu tố hình thành giá.

Không biết, sắp tới sẽ có “điều đình” gì từ cơ quan chủ quản đến việc giảm giá thành phẩm sữa bột dành cho trẻ em từ 1- 6 tuổi – mặt hàng sữa được bình ổn giá? Chỉ biết hiện tại, giá nguyên liệu đã giảm sâu nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua sữa cho con với giá cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ. An - H. Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN