Giá sữa rẻ đến tay người dùng từ ngày 21/6
Việc áp trần giá sữa bán lẻ đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện vào 21/6.
Bộ Tài chính vừa chính thức áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, 25 loại sữa cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ bị áp giá bán buôn từ 1/6.
Tuy nhiên, việc áp trần giá bán lẻ đối với các mặt hàng sữa này sẽ được thực hiện vào 21/6.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết, sở dĩ giá trần bán lẻ ngày 21/6 mới tới tay người tiêu dùng là để không ảnh hưởng tới lợi ích của các hộ bán lẻ.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ sẽ xác định giá trần cho tất cả sản phẩm sữa còn lại và thị trường sữa sẽ ổn định trong vòng 1 năm tới.
Theo cách tính áp trần giá sữa của Bộ Tài chính, một số mặt hàng sữa sẽ có mức giá cao hơn giá hiện hành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Tài chính quy định giá bán lẻ tối đa không được cao quá 15% so với giá bán buôn. Đồng thời, giá mới này cũng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường.
Họp báo thông tin về biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Thời gian qua, dù Bộ Tài chính đã dùng biện pháp áp giá trần nhưng một số doanh nghiệp sữa lách luật bằng cách giảm trọng lượng, thay đổi mẫu mã, thay đổi các thành phần trong sữa… Ông Nghĩa cho biết, đã có quy định rất rõ về việc đổi trọng lượng. Bộ Tài chính đã làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương để đảm bảo quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường.
Ông Nghĩa cho hay, 25 loại sữa được áp trần này chiếm trên 60% thị phần mà sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các sản phẩm sữa còn lại sẽ được so sánh với 25 loại sữa này và dựa vào đó để áp dụng tính giá trần. Các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ thực hiện theo phương pháp này.
Trước câu hỏi Bộ Tài chính giao cho các doanh nghiệp tự tính toán giá cho các sản phẩm còn lại, liệu Bộ có quá tin tưởng các doanh nghiệp? Người tiêu dùng mua sữa không đúng với bảng giá áp trần thì có thể khiếu kiện hay làm gì? Ông Nghĩa cho biết, tỷ lệ 15% là tỷ lệ làm giá tối đa, cũng như giá tối đa không phải là giá tối đa. Tỷ lệ này giúp nhà phân phối có thể tùy biến thay đổi cho phù hợp với từng địa hình, từng địa phương sao cho miền núi cũng có thể mua được sữa.
Theo ông Nghĩa, nếu người dân phát hiện nơi nào bán sữa không đúng với giá trần, sẽ kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng có thể phản ánh tới Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tới cơ quan chức năng để bảo vệ lợi ích cho mình. Người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn một cửa hàng khác vì đó cũng là một sự lựa chọn. “Chính tôi cũng lựa chọn sữa cho cháu ở cửa hàng tôi tín nhiệm”, ông Nghĩa nói.