Giá sữa lại rục rịch tăng
Từ 1.8, một số hãng sữa dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thêm 10%. Nếu giá sữa tăng tiếp thì đây là lần thứ 5 tính từ đầu năm đến nay giá mặt hàng này được điều chỉnh tăng...
Chưa bao giờ giảm giá...
Hãng Dutch Lady vừa gửi thông báo đến cho các nhà phân phối về việc tăng 6.000 đồng/thùng sữa (giá niêm yết trên hóa đơn giá trị gia tăng). Cụ thể, thùng sữa (40 hộp) dung tích 180 ml/hộp là 291.000 lên 297.000 đồng/thùng, thùng sữa loại 110 ml/hộp là 191.000 lên 197.000 đồng/thùng.
Điều đáng nói là cùng với tăng giá thì hãng này cũng tăng khuyến mại, ví dụ tặng thêm hộp sữa... nên lập luận của hãng đưa ra là tăng giá nhưng không thu được từ tăng giá là bao nhiêu, và “tăng cũng như không”?
Giá sữa bắt đầu vào đợt tăng mới (ảnh minh hoạ).
Trong khi đó, khảo sát tại một số đại lý sữa lớn tại các phố Sơn Tây, Kim Mã (Hà Nội), thông tin chúng tôi có được là từ 1.8 tới nhiều hãng sữa khác cũng sẽ điều chỉnh giá tiếp. Anh Tuấn - chủ một đại lý sữa lớn ở phố Sơn Tây cho hay: “Hãng Abbott dự kiến sẽ còn tăng giá trở lại trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới với mức không nhỏ. Còn các nhãn sữa khác đều đang bán hàng với giá đã tăng trước đó. Nếu em mua tích trữ thì nhanh tay lên vì sữa chỉ có tăng giá chứ không giảm giá”.
Theo nguồn tin, một số hãng sữa khác cũng đang rục rịch tăng giá sữa từ 1.8 tới đây. Lý do được các hãng sữa đưa ra vẫn rất quen thuộc như giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng, giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều chi phí tăng lên...
Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Quản lý giá, giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng. Trong những tháng đầu năm 2013, sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đồng loạt giảm mạnh nhưng gần như không có doanh nghiệp sữa trong nước nào giảm giá.
Không thể quản giá sữa
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay giá sữa đã tăng tới 4 lần, mức tăng thêm từ 8-9% tùy loại, có loại tăng giá 15%... Theo một số chuyên gia kinh tế, thị trường sữa VN đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu khi lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm.
Sau khi xuất hiện thông tin Chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra một số doanh nghiệp chế biến sữa bột cho trẻ em bị tình nghi có hành vi thao túng giá thị trường, đã có một loạt công ty sữa thông báo giảm giá bán. Những ngày gần đây, đã có thêm 4 hãng giảm giá mặt hàng sữa bột cho trẻ em tại Trung Quốc. Chính phủ nước này đã cam kết trừng phạt thích đáng những kẻ vi phạm và kêu gọi thắt chặt công tác kiểm soát việc sản xuất sữa bột, nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng với các công ty trong nước. |
Kết quả khảo sát của một số cơ quan cũng cho thấy, giá bán sữa ở Việt Nam đang gấp đôi giá vốn. Phần chênh lệch này rơi vào khâu chiết khấu, tiếp thị, quảng cáo, tiền lương và một số chi phí khác. Ngoài ra, không loại trừ có sự chuyển giá trong giá sữa. Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, rà soát, thanh kiểm tra, đánh giá giá trị thực của sản phẩm sữa và đưa giá sữa về đúng như giá trị của nó, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong nước.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng:
Kẽ hở mà các hãng sữa “lách” tránh sự quản lý của cơ quan nhà nước là quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Những loại sữa khác không phải đăng ký.
Tôi cho rằng chúng ta đang quản lý giá sữa theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Các cơ quan quản lý giá sữa chỉ khi thấy giá sữa trên thị trường tăng mới dòm ngó đến mà cũng không đưa ra được biện pháp nào. Văn bản quản lý giá có ban hành nhưng không đem lại tác dụng gì”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Hữu Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất, mỗi cơ quan nhà nước cần làm tốt từ gốc, vì sữa là mặt hàng quản lý theo chuỗi, chứ không đơn lẻ cơ quan nào. Ví dụ, các quy định phải chặt từ khâu nhập khẩu, thành phần chất lượng, tên gọi ra sao, giá chỉ là khâu quản lý cuối cùng. Nếu không làm tốt từ khâu chuỗi này, thì sẽ khó quản được giá sữa.
Cũng theo ông Phạm Hữu Anh, không phải sữa nào cũng cần kê khai nhưng sữa cho trẻ em thì cần phải kê khai, đăng ký giá. Chúng ta chỉ nên tập trung kiểm soát các loại sữa chủ yếu, được tiêu dùng nhiều, có tác động lớn tới người tiêu dùng. Muốn làm được như vậy, trước hết phải thống nhất từ tên gọi sản phẩm sữa từ khi nhập khẩu đến đưa ra thị trường nội địa, để người dân hiểu, lựa chọn sản phẩm đúng với nhu cầu.