Giá sữa bán lẻ chây ỳ không giảm

50 sản phẩm sữa với mức giảm giá từ 0,4-4% do tách chi phí quảng cáo đã chính thức có hiệu lực hôm qua (20.4), theo công bố từ Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường sữa bán lẻ cho thấy, hầu hết các đại lý đều cho biết, chưa nhận được thông báo giảm giá từ các hãng sữa… 

Giảm lấy lệ...

Hôm qua (20.4), 25 sản phẩm sữa của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam đã chính thức giảm từ 1.697-6.994 đồng/hộp. Đây là hãng sữa có số lượng sản phẩm đã đăng ký giảm giá nhiều nhất. Sữa Enfamil A+1 360 độ Brain Plus giá bán lẻ 255 nghìn đồng/hộp, giảm giá 2.250 đồng/hộp; Enfagrow A+3 360 độ Brain Plus 1.800g, giá bán buôn cũ 699.435 đồng/hộp, nay giảm 6.994 đồng/hộp… Giảm giá từ 2-4% có Enfamil A+1, A+2…

Giá sữa bán lẻ chây ỳ không giảm - 1

Giá sữa giảm nhỏ giọt khiến người tiêu dùng bức xúc (ảnh minh họa). I.T

Friesland Campina là hãng có mức giảm giá sữa cao hơn với 14 sản phẩm. Mức giảm thấp nhất là 4.125 đồng cho sản phẩm mới ra mắt Dutch Lady Tò mò Gold 1-2 loại 900g. Sản phẩm giảm giá nhiều nhất là Dutch Lady 123 Gold BIB loại 2.000g, giá bán lẻ 490 nghìn đồng/hộp được hãng giảm giá bán buôn 16.450 đồng/hộp.

Công ty TNHH Nestle Việt Nam giảm giá 3 sản phẩm, song mức giảm lại rất “bèo”. Như sản phẩm S26 Progress Gold 900g có giá bán lẻ khuyến nghị đến người tiêu dùng là 455 nghìn đồng/hộp, nhưng giá bán buôn sau khi tách chi phí quảng cáo chỉ giảm 1.000 đồng/hộp. Hai sản phẩm giảm giá còn lại là Nan Pro 3 và Lactogen 3 cũng chỉ giảm 2.310-2.750 đồng/hộp.

Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A có 8 mẫu sản phẩm của Abbott giảm giá và hầu hết các sản phẩm chỉ giảm 1-1,5% bắt đầu từ ngày 22.4 tới. Như sản phẩm Similac Total Comfor 3 loại 360g có giá bán buôn mới là 240 nghìn đồng, giảm 1.000 đồng so với giá bán cũ, còn lại những sản phẩm có giá bán trên 200 nghìn đồng/hộp đều giảm giá chỉ 2.500 đồng.

Bà Nguyễn Hồng Thanh-chủ cửa hàng sữa ở Phố Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, đại lý mới chỉ nghe “đồn thổi” về giá sữa giảm chứ chưa nhận được thông báo giảm giá sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi từ phía các nhà cung cấp. “Giá sữa sẽ không có chuyện giảm tới đây bởi mức giảm giá bán buôn công bố của các hãng sữa quá thấp, chỉ vài nghìn đồng/hộp thì không bõ để giảm giá bán lẻ”- bà Thanh cho biết.

Còn bà Thu Hồng, chủ đại lý bánh kẹo, đường sữa trên phố Lò Đúc (Hà Nội) cũng cho hay: “Nếu giá sữa bán buôn chỉ giảm vài nghìn đồng/hộp thì các đại lý không cần phải điều chỉnh giá bán lẻ vì giá bán vẫn thấp hơn giá trần tối đa nhiều…”.

Chỉ mang tính đối phó

Thực tế, người dân đã không còn hào hứng với các thông báo giảm giá sữa từ các cơ quan chức năng và các hãng sữa. Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, mức giảm 0,4-4% của giá sữa mà các hãng kê khai là “tương đối phù hợp”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm 0,4-4% là chưa tương xứng với cơ cấu giá sữa sau khi đã tách khoảng 20% chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành. Vì vậy, “mức giảm này thực chất chỉ mang tính đối phó, chưa thực sự vì quyền lợi người tiêu dùng”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết

Chi phí quảng cáo đều được doanh nghiệp tính vào giá. Kiểm toán tốt, bóc tách ra được thì có thể bắt giá sữa giảm nhưng điều này là rất khó với chúng ta. Cái nhìn thấy rõ nhất hiện nay là giá sữa thực tế trên thị trường chưa giảm còn hãng sữa thì thông báo giảm giá quá ít. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, nhiều hãng sữa nước ngoài đã dành đến hơn 30% chi phí cho quảng cáo, tiếp thị sản phẩm. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong năm 2014 cũng cho thấy, nhiều sản phẩm sữa đã được đẩy giá cao gấp 2-3 lần so với giá vốn là do các chi phí quảng cáo này. Vậy khi giảm giá sữa do tách chi phí quảng cáo lại chỉ giảm vài nghìn đồng là quá vô lý, nhất là khi giá nguyên liệu sữa đầu vào quý I năm nay thấp hơn nhiều so với quý I/2014. Chị Ngô Kim Chung- giáo viên Trường Cao đẳng cộng đồng (Hà Nội) cho biết, tôi không còn bận tâm đến các thông báo giảm giá sữa của Bộ Tài chính. Mức giảm 0,4-4% tính chi ly từng sản phẩm thì giảm chỉ vài nghìn đồng không có nghĩa với người tiêu dùng. “Ngay cơ quan quản lý giá còn không bám sát được thực tế thị trường thì các hãng sữa giảm giá cho có và người tiêu dùng thờ ơ trước thông tin giá sữa sẽ giảm là hiển nhiên”- chị Chung nói.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Các hãng sữa đang “giảm lấy lệ” khi cơ quan nhà nước yêu cầu họ tách chi phí quảng cáo. Chừng nào cơ quan nhà nước nắm rõ được giá nhập, giá hải quan, thuế, phí với sữa thì việc giảm giá sữa mới có thể giải quyết một cách tổng thể. Cá nhân tôi đánh giá, các giải pháp với giá sữa hiện nay không kéo được giá sữa giảm xuống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN