Giá rau xanh tăng mạnh
Do ảnh hưởng mưa bão, mấy ngày nay, diện tích trồng rau màu của thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận bị ngập úng, gây thối hỏng các loại rau ăn lá (cải, mùng tơi, muống...) đến kỳ thu hoạch khiến giá rau xanh tăng mạnh, tại chợ đầu mối tăng gấp đôi, còn tại các chợ dân sinh tăng gấp 3 trở lên...
Trời mưa khiến việc thu hoạch rau, củ bị hư hao nhiều.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại nhiều chợ truyền thống của Hà Nội, giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng tương đối mạnh. Cụ thể, rau muống từ 6.000-8.000 đồng/bó, nay 12.000 đồng/bó; cải ngọt, cải ngồng, cải chíp 15.000-17.000 đồng/kg, tăng lên 22.000-27.000 đồng/kg; mướp từ 15.000 đồng/kg tăng lên 20.000 đồng/kg; dưa chuột từ 17.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; hành lá từ 25.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; rau gia vị từ 3.000 đồng/mớ lên 5.000-7.000 đồng/mớ.
Tại chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), giá rau xanh cũng tăng đột biến. Mức độ tăng xếp theo thứ tự từ rau gia vị, rau xanh, củ, quả... Chị Nguyễn Thị Triều ở khu đô thị Trung Văn chia sẻ: "Rau xanh tại các siêu thị gần nhà, lượng rất ít, người mua đông, nếu không đi sớm, hiếm khi mua được rau như ý, tôi phải mua thêm rau tại chợ dân sinh. Trưa 13-10, khi mua 2 mớ rau thơm, 1 cây xà lách tại chợ dân sinh để về cả nhà ăn bún chả, thanh toán hết 32.000 đồng, trong khi chỗ rau này mọi khi chắc chỉ 12.000 đồng"...
Chị Trần Thị Tú, chủ sạp rau tại chợ Trung Văn cho hay: "Chỉ có bí xanh, bí đỏ, bầu, khoai lang, ngô ngọt, khoai tây là giá nhích 1.000-3.000 đồng/kg, còn rau xanh hiện nay quá đắt. Mua 8, về bán 10, chủ yếu là phục vụ khách quen chứ rau xanh, mưa gió thế này dễ hỏng nát, hư hao nên bán lẻ rất khó. Mưa lớn kéo dài còn khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa chậm nên giá bị đẩy lên cao. Trong vài ngày tới, có thể giá rau xanh tiếp tục tăng do nhiều loại rau không chịu được ẩm, cứ mưa là chết...".
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Côn (huyện Hoài Đức) Vũ Văn Hải chia sẻ, hiện nay, toàn bộ diện tích rau ăn lá của Hợp tác xã nếu trồng trong nhà màng, nhà lưới hoặc áp dụng màng phủ Passlite thì không bị dập nát, giá rất tốt. Còn hầu hết diện tích rau không áp dụng các kỹ thuật trên thì tỷ lệ hư hao, ảnh hưởng năng suất rất lớn. Nhiều diện tích rau ăn lá bị giảm tới 70% năng suất do dập nát, nên dù bán được giá, nông dân vẫn không thu được lợi nhuận nhiều...
Đối với diện tích trồng rau trong nhà màng, nhà lưới tại các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Hoài Đức... nông dân vẫn thu hoạch tốt ngay trong điều kiện mưa lớn.
Về tình hình sản xuất rau xanh trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, trung bình mỗi ngày, Hà Nội có 150-200ha rau cho thu hoạch với sản lượng khoảng 1.400-1.800 tấn, đáp ứng 60-70% nhu cầu rau xanh của thành phố. Những ngày qua, do ảnh hưởng mưa lớn, toàn thành phố có hàng ngàn héc-ta rau ăn lá bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng và nhiều diện tích mới xuống giống bị mất trắng. Việc thu hoạch rau ăn lá khi gặp thời tiết bất lợi cũng hư hao nhiều, do vậy, nguồn cung có hạn chế nhất định...
"Việc rau xanh tăng giá mạnh chỉ là tạm thời, khi thời tiết tốt lên, nguồn cung và giao thương thuận lợi, chắc chắn giá rau, củ, quả nói chung, rau ăn lá nói riêng sớm ổn định. Vụ đông là thời điểm thuận lợi để nông dân các địa phương canh tác rau màu, Hà Nội cũng đang nhân rộng các mô hình sản xuất rau ăn lá áp dụng màng phủ Passlite từ vải không dệt để khắc phục bất lợi về thời tiết, sâu bệnh hại... nhằm tăng năng suất cây trồng", ông Nguyễn Mạnh Phương thông tin thêm.
Hiện, Hà Nội đã gieo trồng được khoảng 13.000ha rau màu các loại, năng suất dự kiến đạt 222 tạ/ha, sản lượng 287.000 tấn. Đối với diện tích rau màu vụ đông sớm khoảng 1.000ha chuẩn bị cho thu hoạch, tập trung tại các vùng rau chuyên canh như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn... đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông tại các địa phương đang tăng cường hướng dẫn nông dân sản xuất rau tăng lứa, gối vụ, tăng hệ số quay vòng đất bằng phương pháp che phủ, tránh rau bị dập nát khi gặp mưa...
Nguồn: [Link nguồn]
Giá các loại trái cây đa số tăng mạnh, do vận chuyển được nới lỏng giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.