Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ
Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 2

Sở hữu hơn 3 mẫu đất ở vùng chuyên canh rau, anh Phạm Văn Hùng, trú tại xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, đầu năm thì rau ế ẩm, giá thấp mà vẫn không có người mua, phải đổ bỏ đi cả tấn. Cuối năm thì thời tiết thất thường, mưa kéo dài khiến sản lượng rau bị thối hỏng mất một nửa, phân bón lại tăng giá khiến chi phí sản xuất bị đội lên nhiều lần.

Nhớ lại vụ rau đầu năm, vào đợt cuối tháng 2/2021, do ảnh hưởng của Covid-19, hơn 5 tấn củ cải của gia đình anh đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua phải nhổ bỏ và mang đi tiêu hủy.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 3

“Đã không thu được đồng nào nhưng tôi phải thuê người nhổ bỏ và vận chuyển đến điểm tiêu hủy với chi phí hơn 1 triệu đồng/tấn. Sau đó, lại bắt đầu làm đất để làm vụ mới”, anh Hùng chia sẻ.

Chị Hải, trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, suốt mấy chục năm qua, thu nhập chính của bố mẹ chị hàng ngày đều dựa vào 3 sào đất trồng rau. Cả ngày, ông bà cứ cặm cụi bên mảnh ruộng với đủ các loại rau. Mùa nào thức ấy, mảnh thì trồng rau muống, mảnh trồng rau cải, mảnh còn lại là mùng tơi cuối vụ.

“Có bấy nhiêu đất thôi nhưng sáng nào ông bà cũng thức dậy từ 3 giờ sáng đi hái rau cho kịp chợ. Ông thì buộc đèn pin trên chiếc mũ cối đội đầu, tay dắt chiếc xe thồ lọc cọc, bà quẩy đôi quang gánh đi bên cạnh. Đi đến đâu, chó sủa inh tai tới đó. Tôi ở ngay cạnh nhà, hôm nào ông bà đi làm cũng tỉnh giấc. Thương nhưng bảo nghỉ thì ông bà không chịu”, chị Hải cho hay.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 4

Bình thường, ông bà cắt rau xong, phần thì cho lên xe đạp thồ, phần thì bà gánh bộ ra chợ Cầu Diễn gần nhà bán buôn. Lúc được giá, mỗi bó rau bán được từ 2-3.000 đồng. Dân buôn mua lại, bán lẻ với giá từ 4-5.000 đồng. Lúc rau rẻ, cắt ra chợ người ta nâng lên đặt xuống, trả có 1.000 đồng/bó vẫn phải bán. Mỗi buổi chợ, bán trăm bó rau, ông bà cũng bỏ túi được từ 100-300.000 đồng.

Vất vả cả ngày, sáng đi chợ, chiều làm cỏ, bỏ phân, tưới tắm chỉ mong có rau để bán đều và được giá. Thế nhưng, những ngày này, rau đắt nhưng ông bà lại không còn rau để bán.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 5

Vào những tháng đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3, nhiều địa phương có ca nhiễm mới phải thực hiện cách ly toàn xã hội như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… khiến việc vận chuyển, tiêu thụ rau củ trở nên khó khăn. Chính vì vậy, lượng rau dư thừa không có người mua phải chất thành đống, bán rẻ như cho hoặc đổ bỏ.

Tuy nhiên, kể từ tháng 6, khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 lan rộng thì giá rau lại tăng gấp nhiều lần do có hiện tượng người dân mua về tích trữ.

Ngày 24/7, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá rau đồng loạt tăng lên từ 30-50%. Đơn cử như su hào 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg so với ngày bình thường; rau muống 10.000 đồng/mớ, tăng 5.000 đồng/mớ; cải chip 15.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng; bí xanh có giá 20.000 đồng/kg, tăng 5-8.000 đồng/kg.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 6

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách toàn xã hội thì giá rau xanh không những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà lại tiếp tục tăng lên gấp 2-3 lần so với trước kia.

Cụ thể, ngày 20/10, tại một số khu chợ dân sinh, rau muống có giá 20-25.000 đồng/bó, tăng gấp 3 lần; mùng tơi 14.000 - 15.000 đồng/bó, tăng gấp 2 lần; cải thảo từ 15.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/kg; cải canh 20.000 đồng/mớ, tăng 10.000 đồng; hành lá có giá từ 60-100.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần…

Giá rau tăng lên gấp 2 lần, dễ bán hơn nhưng theo những người trồng rau như anh Hùng, tiền thu về còn ít hơn đợt trước.

“Rau đến kỳ thu hoạch được thương lái đến tận ruộng thu mua. Tuần trước có ngày họ trả 26.000 đồng/kg rau cải ngồng, 12.000 đồng/kg củ cải. Giá tăng gấp đôi nhưng mưa nhiều, sản lượng giảm đi một nửa. Phân, thuốc lại tăng nên thu về chẳng được bao nhiêu”, anh Hùng thở dài.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 7

Theo anh, mỗi bao phân đạm 50kg, trước kia có giá 500.000 đồng thì nay đã lên hơn 800.000 đồng. Các loại phân khác cũng tăng từ 30-50% dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Mưa bão cũng làm rau thối, hỏng số lượng lớn nên người nông dân thiệt đơn thiệt kép.

“Nửa tháng nay rau đắt nhưng ông bà bán được đúng 1 đợt rau muống và 1 đợt mùng tơi. Mỗi bó rau muống họ trả 7.500 đồng, mùng tơi thì 5-6.000 đồng/bó. Đến tay người mua là 15.000 đồng/bó rau muống; từ 10-12.000 đồng/bó mùng tơi. Cắt xong đợt đó thì không còn rau để bán vì rau muống đã cuối vụ, lên chậm lắm, rau cải thì thối hết, cả tháng không được cây nào”, chị Hải nói.

Hết rau để bán, trời thì mưa tầm tã, rau không lên được, ông bà nghỉ chợ. Sáng sớm tinh mơ chị Hải không còn thấp thỏm vì tiếng chó sủa đầu nhà hay tiếng xe đạp lạch cạch đầu ngõ nữa.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 8

Trước hiện tượng giá rau xanh “rẻ như cho”, nhiều người cho rằng do thương lái ép giá “ăn dày”. Đến khi tăng cao, lại có ý kiến, tiểu thương là những người “ăn đậm” nhất. Vì từ ruộng ra chợ, giá rau đã tăng lên gấp 2 lần. Ngoài các loại rau dễ bị dập nát, thối, hỏng và vào cuối vụ thì những loại củ, quả như bí đỏ, bí xanh, su su, củ cải đều “ăn theo” tăng giá gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, theo chị Phượng Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội), để đưa rau từ đồng về nhà và ra chợ, người bán như chị phải cộng thêm đủ các loại chi phí như giá vận chuyển, bù thêm chi phí thối, hỏng nên tiền lãi chẳng được là bao.

Đơn cử như vào thời điểm đầu tháng 3, nhìn những cánh đồng rau bắp cải và su hào nứt tứ tung phải nhổ bỏ, những ruộng rau súp lơ nở hoa trắng đồng, chính những người nông dân “năn nỉ” chị “giải cứu giúp họ, giá nào cũng bán.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 9

Mỗi ngày, chị đã đứng ra hỗ trợ tiêu thụ từ 30-50 tấn rau củ các loại giúp nông dân Hải Dương và Mê Linh. Mỗi kg chỉ lấy chênh đúng 500 đồng so với giá mua của dân nhưng nhiều khi phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ.

“Tôi bán không lấy lãi 1 xu nào sau khi trừ chi phí vận chuyển. Ngoài ra, nhiều khi điểm tập kết hàng không có phải trung chuyển qua nhiều địa điểm, phải bù lỗ cả 5-6 triệu đồng”, chị Phượng nói.

Theo chị Phượng, khi rau rẻ, khách đến mua hoa quả còn được chị tặng kèm vài mớ rau muống hay rau mùng tơi, nửa cân hành lá.

Tuy nhiên, thời gian gần đây thì chị “bó tay” vì giá rau tăng chóng mặt.

“Rau muống nhập vào đã 20-22.000 đồng/bó, rau thơm thì 100.000 đồng/kg, hành lá 60.000 đồng/kg… Mình nhập vào rồi bán cũng ngại với khách quen nên chắc là tôi nghỉ”, chị Phượng cho hay.

Theo chị Phượng, giá rau cùng với giá xăng dầu tăng cao chót vót khiến chi phí vận chuyển đội lên nhiều lần. Với quãng đường từ Điện Biên về Hà Nội và ngược lại, trước đây, chỉ mất 600.000 đồng tiền dầu thì nay nhà chị phải chi số tiền 1,1 triệu đồng.

Trong khi đó, thời tiết mưa nhiều, đi lại khó khăn, rau nhập về không cẩn thận sẽ bị thối, hỏng. Lỗ như chơi.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 10

Dắt chiếc xe thồ dọc con phố Nam Đồng rao bán các loại rau, chị Thảo (quê ở Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây, mỗi ngày chị bán được khoảng 200 bó rau các loại thì bây giờ, lấy 100 bó còn sợ ế.

“Đây này, 10 mớ cải canh này coi như là vứt đi rồi đấy. Trời mưa nên rau bị dập. Để từ sáng đến trưa là nhũn hết. Trong khi mỗi mớ tôi mua 8.000 đồng, giờ bán 15.000 đồng/2 mớ người ta cũng cầm lên đặt xuống chứ không mua”, chị Thảo nói.

Bán rau khắp chợ Nam Đồng được hơn 10 năm nay, để có rau bán hàng ngày, chị Thảo phải dậy từ 4 giờ sáng để đi chợ đầu mối. Buổi sáng chị lang thang bằng xe thồ, buổi chiều ngồi ghé bên cạnh hàng bán gà với chi phí 500.000 đồng/tháng.

Mỗi bó rau bán ra, chị chỉ lấy lãi từ 1-2.000 đồng. Mưa hay nắng chị vẫn đi đều đặn mỗi ngày. Vậy nên, bình thường, nếu bán hết, chị được từ 200-300.000 đồng/ngày. Ế ít thì lãi nhiều mà ế nhiều thì mất lãi. Tuy nhiên, hơn một tuần nay giá rau tăng cao, chị chỉ mong được hòa vốn.

“Rau mùa này hiếm, loại thì cuối mùa, loại thì chưa đến kỳ thu hoạch nên giá đắt lắm. Người mua cũng ít hơn. Không cẩn thận là lỗ”, chị Thảo cho biết.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 11
Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 12

Ông bà ta có câu: “Cơm không rau như đau không thuốc” để nói về nhu cầu không thể thiếu của rau xanh trong mỗi bữa cơm gia đình.

Thế nhưng, hơn một tuần qua, giá rau xanh tại Hà Nội không ngừng “nhảy múa” lên cao chót vót. Giá các loại rau tăng lên gấp 2-3 lần so với trước kia khiến nhiều người phải thay đổi thói quen hàng ngày, chuyển sang các loại củ quả để tiết kiệm chi phí.

Đơn cử như rau muống, giá đã tăng lên từ 15-25.000 đồng/bó; mùng tơi 12-15.000 đồng/bó; rau cải ngồng, cải mơ, cải bắp lên 20-25.000 đồng/kg; Cà chua có giá từ 30-40.000 đồng/kg; Bí xanh, bí đỏ, củ cải lên mức 20-25.000 đồng/kg;

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 13

Thậm chí, hành lá và các loại rau thơm đã tăng lên từ 120-150.000 đồng/kg, đắt hơn thịt lợn.

“Hôm qua nhà có khách, tôi định làm nồi lẩu nên ra chợ mua rau. Lúc tính tiền tôi phải hỏi đi hỏi lại người bán về giá các loại rau vì chỉ có 4 quả cà chua, vài gói nấm, bó rau muống, bó mùng tơi, cây cải thảo và 1 cây cải bắp, vài cây hành lá mà mất gần 200.000 đồng. Rau gì cũng tăng gấp 3 lần”, chị Hồng, trú tại Đống Đa (Hà Nội) tỏ ra bất ngờ khi đi chợ mua rau.

Theo chị Hồng, so với đầu năm, giá thịt lợn đã giảm đi một nửa. Thế nhưng, giá rau xanh lại tăng gấp 2-3 lần. Nhìn giá rau mà “xanh cả mắt”, không tin nổi.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 14

Giá rau củ tăng hay giảm chỉ mang tính tạm thời. Sự tác động của dịch bệnh hay thời tiết ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, lưu thông là những yếu tố bất khả kháng. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau xanh để khắc phục tình trạng bất cập “được giá mất mùa, được mùa mất giá”, góp phần bình ổn thị trường nông sản vẫn luôn là vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam hiện có gần 1 triệu hecta rau, mỗi năm sản xuất được 18 triệu tấn rau. Vì vậy, hoàn toàn đủ năng lực cung ứng rau phục vụ tiêu dùng.

Tuy nhiên, giá rau xanh có thời điểm giảm mạnh cũng có những đợt đột ngột tăng cao. Có những đợt do chuyển mùa, do thời tiết, thiên tai ảnh hưởng đến tình hình sản xuất rau. Cũng có đợt người dân phải thu hoạch gấp để lấy đất trồng vụ mới nên gây ra hiện tượng dư thừa cục bộ khiến giá thành giảm.

Lấy dẫn chứng cho việc này, ông Cường cho biết, một số tháng đầu năm, do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ rau ở một số địa phương, nhất là những địa phương thực hiện giãn cách gặp không ít khó khăn, khiến giá xuống thấp.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 15

Thời gian gần đây, giá rau xanh đột ngột tăng cao do đây là thời gian chuyển vụ, giữa vụ hè thu sang vụ đông. Ngoài ra, trong tháng 10 có hiện tượng mưa kéo dài, nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rau màu. Thậm chí có nhiều diện tích bị dập nát, hư hỏng.

“Đây là 2 nguyên nhân chính khiến giá rau ngoài thị trường tăng hơn thời gian trước đó”, ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, bản thân mỗi loại cây trồng đã tự hình thành nên các vùng chuyên canh gắn bó chặt chẽ bởi hệ thống thương lái của từng vùng đó. Nhưng để ổn định giá rau xanh cần hình thành nhiều hơn nữa những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Trong đó, vùng sản xuất tập trung này được liên kết với đội ngũ thương lái phụ trách việc phân phối, tạo ra mối liên hệ rất chặt chẽ để đảm bảo việc lưu thông.

Song song với việc đó thì việc tổ chức các Hợp tác xã vừa sản xuất, vừa phân phối và lưu thông đã góp phần ổn định đầu ra, đáp ứng thông tin cung cầu và ổn định giá cả, đảm bảo thu nhập của người dân.

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao? - 16
 

Bài viết: Hồng Cảnh

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Hai, ngày 08/11/2021 13:52 PM (GMT+7)
Theo Hồng Cảnh - Trung Nam ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN