Giá phân bón tăng cao chưa từng có trong 50 năm, có nên cấm xuất khẩu?
Giá các loại phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm qua, do xung đột Nga - Ukraine và từ chênh lệch cung cầu trong nước...
Cao nhất trong 50 năm
Theo ghi nhận thị trường, từ sau Tết Nguyên đán, giá phân bón đã tăng lần thứ 3 liên tiếp. Hiện, giá Ure lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; Phân DAP ngưỡng 18.500-19.000 đồng/kg; NPK ngưỡng 16.000-16.500 đồng/kg...
So với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%. Có loại biến động giá theo tuần, như Kali liên tục tăng vọt.
Giá phân DAP có giá trung bình 874 USD/tấn, tăng 46% từ năm ngoái đến nay; Phân MAP lên tới 935 USD/tấn, tăng 44%); Kali ngưỡng 815 USD/tấn, tăng 102%...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá các loại phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây do diễn biến tăng theo giá thế giới.
Cụ thể, giá phân DAP có giá trung bình 874 USD/tấn, tăng 46% từ năm ngoái đến nay; Phân MAP lên tới 935 USD/tấn, tăng 44%); Kali ngưỡng 815 USD/tấn, tăng 102%.
Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 706.769 tấn phân bón. Riêng lượng phân bón nhập khẩu từ Nga trên 73.800 tấn, trị giá trên 40 triệu USD (chiếm trên 10% về khối lượng và gần 12% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu).
Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là phân kali, chiếm trên 18% tổng khối lượng kali nhập khẩu.
Còn tăng tiếp?
Thị trường phân bón thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn nguồn cung một phần do xung đột giữa Nga - Ukraine, là một trong những nguyên nhân khiến giá phân bón liên tiếp tăng, được lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhận định.
Theo vị này, với phân kali, nguồn cung bị ảnh hưởng do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.
Ngoài ra, còn nguyên nhân khác là xuất phát từ chênh lệch cung cầu trong nước, theo ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam.
Bởi hiện nhiều DN Việt đã tận dụng thời cơ để xuất khẩu, trong bối cảnh giá thế giới tăng rất mạnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu phân bón.
“Việc này dẫn đến nguồn cung trong nước thiếu. Khi đó, DN tiếp tục nâng giá bán té nước theo mưa để được lợi cả đôi đường”, ông Hải nói.
Nhận định từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, lúa mì là thành phần quan trọng được sử dụng để làm nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta, nguồn cung chủ yếu đến từ Úc.
Nhưng, tính từ đầu năm nay, giá lúa mì đã tăng tới gần 50% và đà tăng tập trung chủ yếu vào 2 tuần gần đây. Giá nhập khẩu lúa mì giao tháng 4 hiện tại đang được chào bán ở mức 10.500 đồng/kg.
Chi phí nguyên liệu tăng lên trong khi giá thịt đầu ra vẫn đang duy trì ở mức thấp khiến cho ngành chăn nuôi gặp phải không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam vẫn đứng ở top 5 thế giới, với lượng tiêu thụ 55 gói/người/năm. Các sản phẩm quen thuộc khác như bột mì, bánh mì, bánh ngọt cũng ngày càng được ưa chuộng.
Điều này dẫn đến nhu cầu nhập khẩu lúa mì của nước ta cũng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh nhập khẩu lúa mì Việt Nam đang được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Nên việc nguồn cung lúa mì gián đoạn sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp và sức tiêu dùng của thị trường nội địa.
Cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất khẩu?
Để giảm nhiệt giá phân bón, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho rằng, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu.
Ông Hải lý giải, giải pháp này là khả thi khi hiện nay, gần 100% thị phần phân bón xuất khẩu nằm trong tay các DN Nhà nước.
Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và giá dự báo còn tiếp tục tăng, do đó, phía Hiệp hội Phân bón kiến nghị, sớm có chính sách điều tiết, kìm giá phân bón để hỗ trợ nông dân.
Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã có khuyến cáo các DN chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali.
Giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít là đề tài được dư luận quan tâm trong những ngày qua. Trên nhiều hội nhóm và các trang mạng xã hội, chủ đề xăng tăng giá và cách ứng...
Nguồn: [Link nguồn]