Giá nước sinh hoạt chưa minh bạch!

Việc xây dựng, phê duyệt đơn giá nước không có sự tham gia của đơn vị độc lập.

“Quy trình xây dựng, phê duyệt giá nước hiện nay chỉ quanh quẩn ở đơn vị cấp nước và các cơ quan hành chính nên không tạo ra sự tin cậy cho người dân trước mỗi quyết định về giá nước mới. Họ chỉ đưa ra số liệu giá nước không thôi thì làm sao người dân biết được” - TS Nguyễn Hữu Nguyên (ảnh), Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, nhận xét về thông tin Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) đang xem xét, đề xuất điều chỉnh tăng giá nước.

Nội bộ tính, thẩm định và duyệt

. Sawaco cho rằng cần phải tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất và phân phối vào giá nước. Quan điểm của ông ra sao?

+ TS Nguyễn Hữu Nguyên: Việc liệt kê đầy đủ các chi phí và tính toán giá thành sản xuất 1 m3 nước sạch sinh hoạt để định ra giá bán là cần thiết. Nếu giá bán chỉ hòa vốn, không tạo ra lợi nhuận thì không thu hút được đầu tư và bản thân ngành nước cũng không thể tái đầu tư (gồm cả việc duy tu, bảo dưỡng…) nên dần dần họ sẽ kiệt quệ. Nhưng nếu chỉ đứng trên góc độ kinh tế - kỹ thuật đơn thuần như vừa nêu, tôi cho rằng điều người dân (khách hàng sử dụng nước) quan tâm nhất đó là quy trình xây dựng, duyệt giá nước đã đảm bảo yêu cầu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chưa.

Nếu làm đúng không thôi thì chưa đủ. Tôi có cảm giác là các cơ quan chức năng chỉ cần làm sao để lãnh đạo thông qua mà không quan tâm đến người dân. Còn lãnh đạo thì chỉ nghe xem làm như thế này có hợp lý chưa là thông qua chứ ít quan tâm đến việc làm thế nào để người dân hiểu.

. Nhưng thưa ông, quy trình xây dựng, duyệt giá hiện được cho là chặt chẽ và có sự thẩm định của đơn vị quản lý tài chính?

+ Theo quy trình hiện nay, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM phối hợp với Sawaco xây dựng bảng giá nước. Sau đó Sở Tài chính thẩm định và trình UBND TP phê duyệt. Quy trình này chỉ quanh quẩn trong nội bộ các cơ quan quản lý và thông báo về kết quả cuối cùng bằng đơn giá mới, vậy làm sao người dân có thể biết và tin rằng cách tính như vậy là đúng?

Nếu HĐND TP có tham gia vào quy trình này, họ cũng không đủ kiến thức chuyên môn để thẩm định cách tính như thế nào là đúng. Bởi lẽ việc tính toán giá nước rất phức tạp, cần có trình độ chuyên môn cao và đó là cả quy trình kiểm toán kỹ thuật.

Giá nước sinh hoạt chưa minh bạch! - 1

Hiện mỗi ngày TP.HCM mất trên 3 tỉ đồng do nước thất thoát. Ảnh: MP

Kiểm toán độc lập và công khai

. Sawaco cho rằng nếu không tăng giá nước thì khó thể thu hút đầu tư và giải quyết các chính sách chăm lo cho người nghèo. Ông nghĩ sao?

+ Trong cơ cấu kinh tế vĩ mô, không thể ngành nào cũng chỉ tính riêng cho ngành đó như một doanh nghiệp thông thường. Bởi nếu nâng giá một ngành thì nó sẽ kích hoạt, làm tăng giá cả các hàng hóa khác. Hệ lụy tất yếu là tất cả gánh nặng sẽ đổ lên đầu người dân.

Việc tăng giá nước sinh hoạt cũng giống như tăng giá xăng, giá điện. Đừng nói việc tăng giá điện không làm ảnh hưởng đến giá cả vì mỗi nhà chỉ mất thêm một khoản chi phí không đáng kể. Nói vậy là không đủ, vì thực tế khi giá điện, xăng tăng thì đồng loạt các mặt hàng khác cùng tăng theo và tất cả đổ hết lên đầu người tiêu dùng. Nếu tăng giá mà không xét tổng thể, chỉ nhìn ở khoản tăng lên cục bộ thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề phúc lợi, ổn định xã hội và dẫn đến lạm phát.

. Vậy trước những khó khăn mà Sawaco đề cập, nhất là nguồn vốn đầu tư, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

+ Đối với những hàng hóa thông thường, nếu nâng giá mà người dân cảm thấy không hợp lý thì họ tẩy chay ngay. Nhưng đây là nước sinh hoạt, người dân không thể không mua.

Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, rõ ràng không ai muốn tăng giá cả. Tuy nhiên, nếu cứ dìm giá xăng, điện, nước xuống để hài lòng người dân thì các ngành này không còn năng lực hoạt động. Do vậy, nếu muốn tăng giá thì cơ quan chức năng phải làm cho người tiêu dùng thông cảm. Trước tiên, cần có sự tham gia của kiểm toán độc lập vào việc tính toán, xây dựng giá thành và công khai thông tin để người dân hiểu mới dễ chấp nhận.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, vì không thể đơn thuần tính giá cả, lợi nhuận của từng ngành mà phải đặt trong điều kiện xã hội cụ thể. Trường hợp cần thiết thì phải có chính sách trợ giá để giải quyết vấn đề an sinh xã hội chứ không thể hở là tăng giá, dễ gây bất ổn xã hội.

. Xin cám ơn ông.

Tính đủ chi phí nhưng bỏ qua lượng nước hao hụt

Theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT, giá thành 1 m3 nước sạch bằng tổng chi phí sản xuất chia cho sản lượng nước thương phẩm. Trong đó, nước thương phẩm là kết quả của phép toán trừ giữa lượng nước sản xuất với lượng thất thoát.

Nếu mạng cấp nước sử dụng quá 10 năm, thông tư cho phép áp dụng tỉ lệ hao hụt lên đến 32%. “Ở TP.HCM, nơi được coi là hiện đại, phát triển nhất cả nước mà cứ sản xuất ra 3 lít nước lại “vứt” đi gần 1 lít nhưng lại bắt người dân gánh chịu thì làm sao giải thích được với họ đây” - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Phong (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN