Giá mua điện mặt trời ở các tỉnh phía Bắc dự kiến 2.486 đồng/kWh cao nhất cả nước
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, giá mua điện mặt trời ở các tỉnh phía Bắc sẽ cao nhất cả nước, ở mức 2.486 đồng/kWh với các dự án điện mặt trời mái nhà.
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam để lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo các vùng bức xạ và các loại hình khác nhau của từng dự án điện. Bộ Công Thương cũng phân ra 4 vùng bức xạ trên cả nước, gồm: Vùng I (28 tỉnh, TP, chủ yếu các tỉnh vùng núi phía Bắc, đồng bằng sồng Hồng và Bắc Trung Bộ vào đến Quảng Bình), Vùng II (gồm 6 tỉnh, TP từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và tỉnh Điện Biên), Vùng III (23 tỉnh, TP) và Vùng IV (6 tỉnh, gồm: Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Giá bán điện mặt trời cao nhất ở các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh đó, 4 loại hình sản xuất điện mặt trời được Bộ Công Thương đua ra để tính toán giá mua bán điện gồm: Dự án điện mặt trời nổi, Dự án điện mặt trời mặt đất, Dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, Dự án điện mặt trời mái nhà.
Giá mua điện mặt trời cao nhất là 2.486 đồng/kWh (tương đương 10,87 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án điện tại Vùng 1 là các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ.
Vùng 4 có giá mua điện rẻ nhất đối với loại hình dự án điện mặt trời mặt đất, ở mức giá 1.525 đồng/kWh (tương đương 6,67 US Cent/kWh).
Giá bán điện theo vùng bức xạ và loại hình sản xuất điện mặt trời theo dự thảo của Bộ Công Thương
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, khu vực có giá bán điện cao nhất trên cả nước là vùng I, ở tất cả các loại hình dự án. Mức giá cao nhất này áp dụng cho các tỉnh phía vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Giá mua điện mặt trời áp mái ở các tỉnh Vùng I cao nhất cả nước với 2.486 đồng/kWh, trong khi mức giá này ở vùng 4 (gồm các tỉnh có tiềm năng lớn về điện mặt trời) chỉ ở mức 1.803 đồng/kWh.
Dự thảo được Bộ Công Thương lấy ý kiến hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký và áp dụng sau tháng 6-2019.