Giá mía giảm còn 10 triệu đồng/ha, nông dân ứa nước mắt đốt bỏ

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ việc mía bán được 60 triệu đồng/ha, hiện chỉ còn 10 triệu đồng/ha. Đã thế, cả nhà máy và tư thương đang “ỏng eo” hoặc “quay lưng” mua mía của nông dân.

Ngày 29.3, ông Mai Thanh Hiền (nông dân ở xã Ealy, huyện Sông Hinh, Phú Yên) cho biết, ông vừa phải đốt bỏ hơn 1ha mía đang kỳ thu hoạch, vì không ai mua, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng.

“Đây là khu vực 2ha mía của tôi tại buôn Dô (Ealy) trước đó đã đăng ký bán cho Nhà máy đường Tuy Hòa (Phú Yên). Cách đây 1 tuần, tôi thuê người thu hoạch mía để xuất bán. Thế nhưng nhà máy trên chỉ mua vài xe, rồi nói trục trặc máy móc nên không mua ép nữa; mía tôi chặt xong phải chất đống dài ngày, khô như củi. Mía đã khô mà có chở đi bán trong lúc giảm giá này, thì chỉ có lỗ thêm tiền xe. Thế là tôi cho đốt để dọn dẹp đất, rồi tính trồng thứ khác. Mía vụ này đang rớt giá thê thảm, chỉ còn bằng nữa giá năm ngoái, mà lại bí rị đầu ra. Chúng tôi chẳng biết làm sao để vớt vát vốn đầu tư…” - ông Hiền nói.

Giá mía giảm còn 10 triệu đồng/ha, nông dân ứa nước mắt đốt bỏ - 1

Tại xã Ealy, ông Nguyễn Thanh Lưu cũng đang “khóc đứng, khóc ngồi” khi gần 5ha mía vào kỳ thu hoạch: “Tôi đã chạy vạy chào hàng khắp nơi nhưng chỉ bán được vài xe, còn mấy ha mía đang “đứng bánh”, chết khô dần. Mía đang rớt giá “sát đất”, Nhà máy đường Tuy Hòa thì nói bị trục trặc kỹ thuật nên nhập mua “nhỏ giọt”. Bí đầu ra, nhắm không có ăn nên tư thương cũng quay lưng “bỏ chạy mất dép”. Bà con trồng mía diện tích ít thì còn có đường “tẩu thoát”… Nói chung, kỳ này mà ai có diện tích mía càng nhiều thì… càng khóc!”.

Trong lúc, bà Lê Thị Gắng (một tư thương mua mía tại Phú Yên) nói gọn: "Các nhà máy đang "lắc đầu" mua mía thì chúng tôi thu gom rồi biết bán cho ai. Cũng thấy xót cho bà con nhưng đành... bó tay".

Giá mía giảm còn 10 triệu đồng/ha, nông dân ứa nước mắt đốt bỏ - 2

Ông Mai Thanh Hiền (xã Ealy, Sông Hinh, Phú Yên) đã đốt lượng mía trồng trên 1ha vì không thể bán được 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Chiến - Trưởng phòng Nguyên liệu (Nhà máy đường Tuy Hòa) cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, hệ thống máy móc của đơn vị đã nhiều lần bị hỏng hóc. Vì vậy, nhà máy chỉ ép được khoảng 1.700 tấn mía cây/ngày; hiện đã khắc phục tạm ổn và trở lại công suất ép 3.000 tấn/ngày.

“Chúng tôi ưu tiên mua mía của những hộ dân có nhận hợp đồng đầu tư với nhà máy. Tiếp đó, là những hộ có hợp đồng đăng ký bán mía cho nhà máy. Còn với những hộ không có hợp đồng với nhà máy thì chúng tôi không mua. Tại xã Ealy, có 6 hộ nhất quyết không ký hợp đồng bán mía cho Nhà máy đường Tuy Hòa. Chúng tôi đã báo cáo việc này với chính quyền địa phương. Mấy hộ này, các năm trước bán mía giá rất cao cho tư thương, còn năm nay giá đường hạ nên bị ép giá mua mía… Chớ ai mà dám đốt mía thì càng bị thiệt hại nặng” - ông Chiến cho hay.

Còn ông Nguyễn Minh Gia Nho - Chủ tịch UBND xã Ealy cho biết, địa phương đang kiểm tra thông tin việc người dân đốt mía vì không bán được. Tại địa phương có xử lý vụ 6ha mía tại buôn Dô (Ealy) vừa vị cháy, do nhóm học sinh đốt lửa bắt ong gây cháy lan. Còn tình hình bán mía thì đang rơi… ngõ cụt.

“Giá mía cây đang rớt quá thê thảm. Nhà máy đường Tuy Hòa nói bị trục tặc kỹ thuật suốt, chỉ ưu tiên mua mía trên diện tích đã đầu tư vốn. Nông dân trồng mía tại địa phương đang hết sức bức bí đầu ra. Xã có đến 1.800ha mía; năm trước thì giá mía cây 60 triệu đồng/ha, năm nay thì rớt còn 10 triệu đồng/ha; thử hói lấy gì mà ăn? Vụ này bà con trồng mía bị thua lỗ rất nặng” - ông Nho nói.

Trong khi đó, đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho hay, tỉnh đang tập trung toàn lực để giải quyết khủng hoảng đầu ra mía đường cho nông dân. Ngày 30.3, tỉnh này sẽ tổ chức cuộc họp với các bên để tìm cách giải quyết vấn đề trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hùng Phiên (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN