Giá lúa gạo nội địa chao đảo

Giá lúa cấp thấp ổn định ở mức đáy; giá lúa chất lượng cao giảm nhẹ; thị trường tiêu thụ gạo nội địa lẫn xuất khẩu tiếp tục chao đảo theo những biến động của thế giới. Đó là những diễn biến của tình hình lúa gạo trong những ngày qua.

Theo nhận định của giới kinh doanh, tiêu thụ lúa gạo trong vụ hè thu này (lúa vụ 2) sẽ còn gặp nhiều khó khăn do những biến động này gây ra.

Cấp thấp chạm đáy, đặc sản xuống theo

Trong khi lúa chất lượng thấp (IR 50404) có một tuần trụ vững ở mức đáy thì lúa thơm, lúa đặc sản lại quay đầu giảm giá nhẹ, từ 200 – 300 đồng/kg.

Ông Lê Văn Thọ, thương lái mua lúa ngụ tại ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, Tiền Giang- chuyên mua bán lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, tuần qua lúa IR 50404 được thương lái thu mua đã ổn định trở lại và dao động quanh mức 3.950- 4.150 đồng/kg. Riêng đối với các mặt hàng lúa thơm, lúa đặc sản lại quay đầu giảm xuống và hiện có giá 4.900 – 5.300 đồng/kg đối với lúa tươi và 5.700 – 6.200 đồng/kg đối với lúa khô, giảm 200 – 300 đồng/kg.

Giải thích lý do lúa cấp thấp dần ổn định trở lại dù thị trường tiêu thụ không mấy khả quan, ông Thọ nói: “Lúa chất lượng thấp đã xuống tới mức đáy rồi, mức giá này (3.950 – 4.150 đồng/kg đối với lúa tươi) đủ đảm bảo cạnh tranh được với gạo cùng loại của Ấn Độ- nước giữ vai trò điều tiết đối với phân khúc gạo cấp thấp- nên không thể giảm nữa”.

Tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè và khu vực sản xuất kinh doanh lương thực ở xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm đối với loại lúa IR 50404 và lúa đặc sản tiếp tục diễn biến trái chiều nhau. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm của giống IR 50404 tiếp tục ổn định ở mức giá lần lượt là 6.500 – 6.650 đồng/kg và 7.500 – 7.700 đồng/kg. Còn đối với mặt hàng gạo trắng (thành phẩm) của giống OM 4900 có giá 11.200 – 11.300 đồng/kg, giảm 300 – 500 đồng/kg so với mức giá hồi tuần trước.

Bà Nguyễn Phúc Ánh, Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh lương thực Tấn Tài III, chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, hiện sức tiêu thụ gạo (cả cấp thấp lẫn đặc sản) tại thị trường này rất yếu.

Giá lúa gạo nội địa chao đảo - 1

Đang chuyển gạo lên kho tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang

Nông dân, doanh nghiệp “chết” theo giá

Tình hình xuất khẩu gạo thời gian gần đây tiếp tục gặp khó khăn khi giá xuất khẩu lẫn thị trường tiêu thụ ngày càng giảm xuống, gây bất lợi cho Việt Nam. Đặc biệt khi hàng loạt hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc bị phía đối tác hủy bỏ.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gần đây tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục lập kỷ lục về khối lượng. Cụ thể, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 790.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và là tháng xuất khẩu gạo cao nhất kề từ đầu năm 2010 đến nay.

Tuy nhiên, do giá xuất khẩu lại liên tục giảm xuống đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của nông dân trồng lúa và cả doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đối với loại gạo 5% tấm đã giảm từ 5 -10 đô la Mỹ/tấn, xuống mức giá chỉ còn 410 – 415 đô la Mỹ/tấn và giảm 20 – 25 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm cách đây 1 tháng (giá FOB cảng Sài Gòn). Đối với gạo 25% tấm- loại gạo cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ cũng tiếp tục giảm xuống mức giá 360 – 370 đô la Mỹ tấn từ mức 380 – 390 đô la Mỹ/tấn (giá FOB càng Sài Gòn).

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần phân tích thị trường (Agromonitor) nhận định, tính hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn gặp không ít khó khăn do chịu áp lực cạnh tranh bởi Ấn Độ (gạo giá rẻ) cũng như áp lực xả hàng tồn kho của Thái Lan.

Theo ông Diệu, không chỉ riêng ngành lúa gạo gặp khó khăn mà hầu như tất cả các ngành, các lĩnh vực khác đều rơi vào hoàng cảnh tương tự. Đối với lúa gạo, ngoài nông dân gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ lúa thì doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Chánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN