Giá lợn hơi tăng mạnh, thịt lợn nhập khẩu giá bèo 1,5 USD/kg tràn vào

Giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã chạm mốc 55.000 đồng/kg, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Nhập khẩu thịt lợn cũng ghi nhận tăng gấp đôi.Việt Nam đã nhập khẩu 678 tấn trong tháng 6/2018 với giá trung bình chỉ 1,5 USD/kg.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 7/2018 đến nay, giá lợn hơi trên cả nước tăng mạnh do người dân mới tái đàn, nguồn cung trên thị trường còn hạn chế.

Giá lợn hơi tăng mạnh, thịt lợn nhập khẩu giá bèo 1,5 USD/kg tràn vào - 1

Lợn hơi chạm mốc 55.000 đồng/kg

Trong 20 ngày đầu tháng 7/2018, giá lợn hơi tại khu vực Miền Bắc duy trì được xu hướng tăng, mức tăng cao nhất tới 3.000 đồng/kg, còn phổ biến là tăng khoảng 2.000 đồng/kg.

Hiện, giá lợn hơi tại miền Bắc đang được giao dịch trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.

Đợt tăng giá trong thời qua đã đưa giá lợn hơi tại Bắc Giang và Hưng Yên lên mức 55.000 đồng/kg, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Nhiều địa phương cũng ghi nhận mức giá cao, như Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam đạt 53.000 – 54.000 đồng/kg; Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg; Hải Dương và Sơn La đạt 54.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá lợn hơi tăng 500 đồng lên 53.500 đồng/kg. Các công ty chăn nuôi lớn của miền Bắc cũng tăng giá lợn hơi thêm 1.000 đồng/kg, lên 53.000 đồng/kg.

Còn tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi biến động nhẹ. Giá lợn hơi tại miền Trung giao dịch trong khoảng 43.000 - 53.000 đồng/kg. Các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều có giá trên 50.000 đồng/kg.

Từ Thừa Thiên Huế trở vào, giá heo hơi dao động trong khoảng 46.000 - 49.000 đồng/kg. Riêng tại Đắk Lắk, giá thịt lợn hơi đang ở mức thấp nhất trong khu vực, với mức 43.000 đồng/kg.

Nhìn chung, giá lợn hơi tại khu vực vẫn ở mức cao, mức giá để người nông dân có lãi thấp nhất là 43.000 đồng/kg. Đây cũng là khu vực có mức chênh lệch về giá cao nhất cả nước.

Giá lợn hơi tại khu vực miền Nam liên tục tăng so với cuối tháng 6/2018, giá lợn hơi tại khu vực đang trong khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg.

Mức giá cao nhất khu vực đang được ghi nhận tại Hậu Giang, đạt 48.000 đồng/kg. Các địa phương như Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bình Dương, Vĩnh Long... dao động trong khoảng 46.000 - 47.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực là tại Sóc Trăng, ĐồngTháp, trung bình đạt 46.000 đồng/kg.

Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh

Về nhập khẩu, dẫn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 6/2018, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 26,87 nghìn tấn, trị giá 38,68 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với tháng 5/2018.

Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 35 thị trường trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ cung cấp 30% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam. Đứng thứ hai là Hàn Quốc, chiếm 10,9% tổng lượng thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu.

Mặc dù nhập khẩu các sản phẩm thịt giảm cả về số lượng và giá trị nhưng đáng chú ý, riêng mặt hàng thịt lợn lại tăng gấp đôi.

Cụ thể, trong tháng 6/2018, Việt Nam đã nhập khẩu thịt lợn đã qua giết mổ đạt 678 tấn, trị giá 1,03 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với tháng 5/2018, giá nhập khẩu trung bình đạt 1.524 USD/tấn, tương đương 1,5 USD/kg, tăng 0,1% so với tháng 5/2018.

Giá lợn hơi sẽ giảm dần vào cuối năm

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lợn hơi tăng trở lại và giữ ở mức cao trong tháng 5-6-7 có lợi cho người sản xuất đã thúc đẩy người chăn nuôi thâm canh tăng năng suất, tăng sản lượng. Do đó giá lợn hơi trong nước sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm, do nguồn cung ra thị trường tăng cao. Nguồn cung thịt lợn sẽ cao hơn từ tháng 8 đến tháng 12/2018.

Do giá lợn trong nước tăng cao nên đã có hiện tượng lợn Trung Quốc nhập lậu vào trong nước ở một số tỉnh biên giới. Thịt đông lạnh giá rẻ của các nước Ôxtrâylia, Mỹ, Brasil, Canada…nhập khẩu vào nước ta. 

Do đó, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, cần tăng cường kiểm soát nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề nhập tiểu ngạch và tạm nhập tái xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại bảo vệ người tiêu dùng và thị trường chăn nuôi trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN