Giá lợn hơi tăng bất thường: Ai thao túng giá?
Theo các chuyên gia, giá lợn hơi đang tăng phi mã, bất thường. Người hưởng lợi không phải là nông dân, mà lọt vào tay “ông lớn”. Có bàn tay vô hình “làm giá” lợn hay không?
Giá lợn lên cao bất thường, việc hưởng lợi đang thuộc về các doanh nghiệp lớn. Ảnh: Bình Phương.
Những con số thực - ảo
Theo Trung tâm tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), giá lợn hơi trong nước biến động giảm trong quý I/2018 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 4 và đặc biệt là tăng liên tục tháng 5/2018. So với cuối năm ngoái, giá lợn hơi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng 16.000 đồng/kg, lên 43.000-46.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc cũng tăng 11.000-12.000 đồng/kg lên 43.000-47.000 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam…giá lợn cũng tăng 12.000-16.000 đồng/kg, lên 42.000-45.000 đồng/kg. Hiện ở nhiều địa phương giá lợn đã vượt mốc 50.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mức giá trên, so với thời điểm “giải cứu” năm ngoái (có nơi còn 17.000-20.000 đồng/kg) đã tăng gấp khoảng 2,5%.
Trung tâm trên cũng nhận định, giá lợn tăng một phần là do nguồn cung giảm trong thời gian qua. Ước tính số đầu lượng lợn hiện tại cả nước đã giảm khoảng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2017. Vậy con số đầu lợn giảm trên có đủ sức để gây tình trạng khan hàng, đẩy giá lợn phi mã như thời gian qua hay không?
Thực tế, trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chủ trang trại tại các trung tâm chăn nuôi lợn trên cả nước cho biết, cơn khủng hoảng giá lợn năm ngoái đã làm số hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại nhỏ “treo chuồng”, lâm cảnh nợ nần, thậm chí phá sản lên tới tới 50-60%.
Tuy nhiên, trái ngược với số hộ nuôi đang teo tóp, giảm đàn, số liệu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (chủ yếu cho nuôi lợn và gia cầm) cho thấy đang tăng. Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu lên tới 1,61 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng mặt hàng ngô, từ đầu năm đến nay, cả nước đã chi khoảng 770 triệu USD để nhập trên 3,9 triệu tấn, tăng hơn 26% về khối lượng và tăng 23% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số thực - ảo trên, khiến ông Phạm Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, ở Việt Nam, chưa có ai nắm được số đàn heo.
Ông Bình đặt vấn đề: “Lý do giá heo tăng khiến nhiều người trong nghề cũng khó lý giải. Một là, giá heo Trung Quốc đang rẻ hơn Việt Nam, nên không thể xuất sang thị trường này, và yếu tố cầu không có gì đột biến. Hai là, trong khi nhiều người nuôi gần như mệt mỏi, hết tiền, hết vốn sau cú sốc năm ngoái, thì số liệu thống kê vẫn cho thấy, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng lên, nghĩa là người nuôi vẫn nhiều. Đây là điều rất lạ”
Ai đang thao túng?
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo doanh nghiệp chăn nuôi lớn phía Bắc cho biết, giá lợn tăng lên vì thực tế đầu lợn trong dân đã cạn từ năm ngoái. Kể cả các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước cũng lỗ chỏng vó, trừ những đơn vị tiềm lực như Hòa Phát, Masan, hay “ông lớn” như C.P…
Theo vị này, do cú thua lỗ năm ngoái, nhiều tập đoàn nước ngoài, trong đó có nhiều công ty Trung Quốc vào mua lại trang trại của người dân. “Chúng tôi cũng nhận định được là giá lợn kiểu gì cũng bật lên, tuy nhiên, muốn tăng đàn cũng không thể vì đã “bay” mấy trăm tỷ đồng vì thua lỗ. Đã thế, thấy rủi ro lớn nên ngân hàng cũng siết lại, không bơm thêm, đành chịu. Khi người chăn nuôi trong nước bị hạ gục, cuộc chơi và dịp hốt tiền bây giờ là của các ông lớn như C.P”- vị này phân tích.
C.P liệu có “thao túng” thị trường giá lợn như hiện nay để hưởng lợi, sau khi lợn trong dân đã vơi? Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi thừa nhận, việc giảm đàn nái vừa qua, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới trụ được, còn các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ khó “sống”. “Vì thế, đợt tăng giá này, nông dân là người chịu thiệt, còn các công ty lớn do họ trường vốn, trụ được nên có lời hơn, các doanh nghiệp FDI càng được hưởng lợi lớn”- ông Dương nói.
Tuy nhiên, ông Dương khẳng định: “C.P không thể thao túng giá, thậm chí chúng tôi còn đang yêu cầu các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Masan, C.P phải neo giá lợn xuống, trong đó C.P đang làm rất tốt điều này”. Theo ông, giá lợn hơi của C.P xuất ra luôn thấp hơn thị trường một giá, hiện là 46.000 đồng/kg, do vậy, thương lái đã mua lợn của C.P rồi bán ngay ra thị trường với giá 49.000 đồng/kg. “Việc giảm giá này của họ chúng tôi cũng chỉ khuyên, chứ không thể bắt buộc được”- ông Dương nói.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, thực tế C.P đang muốn kéo giá lợn xuống để về ngưỡng ổn định, bền vững chứ cũng không để lập lại năm ngoái. Năm trước, C.P đã mất hơn 200 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng) do giá lợn giảm.
Ông Dương cũng cho rằng, giá lợn nên duy trì ở khung giá 40.000-45.000 đồng/kg là hợp lý để đảm bảo chăn nuôi bền vững. Bởi, nếu giá tăng quá cao sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ thị trường và tác động đến người tiêu dùng.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh. Cục cũng đang tiến hành các giải pháp để kéo giá lợn xuống ở mức ổn định, bởi nếu giá tiếp tục tăng sẽ xảy ra nguy cơ lợn từ các nước xung quanh sẽ thẩm lậu về nước ta, đặc biệt là Thái Lan (hiện giá 42.000 đồng/kg), Trung Quốc (giá khoảng 43.000 đồng/kg). Chưa kể, thịt lợn đông lạnh giá rẻ từ Mỹ, Brazil…cũng có thể về nhiều.
“Nếu bà con ồ ạt vào đàn trong lúc giá con giống đang đắt đỏ, ít nhất phải sau 5 tháng nữa mới có lợn xuất chuồng. Lúc đó, chưa ai dám đảm bảo giá lợn còn duy trì ở mức trên 50.000 đồng/kg hiện nay. Vì thế, cứ vào đàn ào ào lúc này là chết”- ông Dương khuyến cáo.
Thời điểm hiện tại, thương lái Trung Quốc đang thu mua mạnh khiến giá lợn càng được đẩy lên cao.