Giá lợn hơi ồ ạt giảm "rời xa" mốc 60.000 đồng/kg
Thời gian gần đây giá lợn hơi vẫn chưa ổn định, nhiều tỉnh thành đang ghi nhận mức giá giảm mạnh.
Giá lợn hơi tiếp tục giảm ở nhiều địa phương
Giá lợn hơi ngày hôm qua (18/8) ghi nhận mức giảm từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg tại một vài địa phương trên cả nước. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm nhẹ và dao động trong khoảng 59.000 - 61.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg, lợn hơi tại tỉnh Lào Cai đang được thương lái thu mua ở mức 59.000 đồng, thấp nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận biến động mới.
Tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, giá lợn hơi giảm 1.000 - 2.000 đồng và dao động trong khoảng 57.000 - 60.000 đồng/kg. Sau khi cùng giảm 1.000 đồng, các địa phương bao gồm Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận giao dịch ở mức 58.000 đồng/kg. Giảm 2.000 đồng, hiện thương lái tại tỉnh Bình Định thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg.
Đặc biệt, khu vực miền Nam ghi nhận mức giảm cao nhất 2.000 đồng, dao động trong khoảng 57.000 - 59.000 đồng/kg. Mức giảm 2.000 đồng tại Long An cũng được ghi nhận khi thương lái thu mua lợn hơi ở mức 57.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá tại hàng loạt các địa phương gồm Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng.
Theo Bộ NNPTNT, chăn nuôi lợn là ngành chăn nuôi chủ lực của Việt Nam, từ năm 2020 đến 2022, tỉ trọng sản lượng thịt lợn hơi tăng từ 60 lên 63,7% trong cơ cấu tổng sản lượng thịt hơi cả nước, cao hơn 20% so với trung bình của thế giới (đạt 41% - năm 2022). Tiêu thụ thịt lợn xẻ của người Việt Nam bình quân năm 2022 là 32kg/người, cao hơn 2kg so với năm 2021. Cơ cấu nguồn cung thịt lợn có xu hướng chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi tập trung, tỉ lệ nguồn cung của chăn nuôi nông hộ giảm còn 38%, doanh nghiệp trong nước chiếm 19%, phần còn lại từ các doanh nghiệp FDI (chiếm 43%).
Thông tin thêm trên báo Thanh Niên, nhiều nhà chăn nuôi cho biết, thông thường trong suốt tháng 7 âm lịch giá lợn hơi luôn ở mức thấp do văn hóa ăn chay của nhiều người. Vì thế giá lợn hơi có thể sẽ giảm thêm trong những ngày tới. Hiện tại, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu giảm, người chăn nuôi hy vọng giá thức ăn chăn nuôi cũng giảm để đảm bảo thu nhập.
Giá lợn hơi tiếp tục giảm ở nhiều địa phương, kéo giá bình quân cả nước xuống còn dưới 60.000 đồng/kg. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân dẫn đến giá lợn hơi quay đầu giảm
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Vietnamnet, ông Nguyễn Công Bắc cho rằng, thời gian qua lợn nhập lậu về nhiều ảnh hưởng đến giá mặt hàng này trong nước. Bởi cung tăng nhưng cầu không tăng. Còn thời điểm này đã bước sang tháng 7 Âm lịch người dân có xu hướng ăn chay nhiều nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất yếu. Chưa kể, năm học mới đã cận kề. Các gia đình phải chi cho khoản sách vở, quần áo,... của con, trong khi thu nhập không tăng nên càng phải “thắt lưng buộc bụng hơn”. Thành ra thịt lợn ế, giá giảm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai lý giải, vừa qua lợn nhập lậu ồ ạt về Việt Nam, nhưng ngay sau đó Chính phủ và Bộ NNPTNT cùng có chỉ đạo kiểm soát chặt, ngăn chặn hàng lậu.
Hiệu quả thấy rõ, lợn nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan về Việt Nam những ngày gần đây giảm hẳn.
“Nhiều người nghĩ khi chặn được hàng lậu, giá lợn hơi trong nước sẽ bật tăng trở lại”, ông nói. Tuy nhiên, tháng 7 Âm lịch là mùa ăn chay, theo quy luật của thị trường đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm.
Hiện, đang giao mùa nên dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Nhiều trang trại sợ dịch phải bán lợn sớm (tức lợn chưa đủ cân) với giá thấp để thu hồi vốn.
“Ở mức giá như hiện nay, người chăn nuôi hoà gốc hoặc có lãi nhẹ. Song, cung vẫn vậy nhưng cầu lại yếu nên giá khó tăng”, ông Đoán nói.
Cũng theo ông Đoán, phải qua tháng 7 Âm lịch giá lợn mới có thể phục hồi. Đó cũng là thời điểm bếp ăn tập thể ở các trường học hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng lên.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá lợn hơi sẽ chững lại ở thời điểm tháng 7 âm lịch (rơi vào giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 dương lịch). Nhưng có thể, nhu cầu được kéo lại một chút khi các trường khai giảng năm học mới, nhu cầu của bếp ăn tập thể có phần tăng lên.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, giá lợn hơi có thể sẽ phục hồi từ nay đến cuối năm. Theo chu kỳ, giá lợn hơi thường tăng cao trong quý 3 và 4 hằng năm.
Dự báo từ nay tới cuối năm, giá lợn hơi có thể sẽ khởi sắc hơn dao động ở khoảng 65.000 đồng/kg, khi nhu cầu ăn uống tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục và việc Trung Quốc phục hồi kinh tế, giá lợn tại nước này đi lên có thể ảnh hưởng một phần thị trường Việt Nam.
Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn, tăng từ 5 - 5,5% so với năm 2022.
Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.
Năm 2022, Việt Nam chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm 2021.
Tuy nhiên, hai tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi giá gạo tăng, không chỉ người tiêu dùng gặp khó mà các xưởng sản xuất, kinh doanh bún, phở cũng “chật vật”, sản xuất cầm chừng để giữ khách.