Giá lợn hơi chạm đáy, giá bán lẻ vẫn "trên trời"
Dù giá lợn hơi đã xuống mức thấp so với kỳ vọng nhưng giá thịt lợn bán lẻ ở các chợ vẫn chưa giảm tương xứng.
Giá thịt lợn bán lẻ chưa tương xứng với giá lợn hơi đang lao dốc.
Lợn hơi chạm đáy, giá bán lẻ vẫn "trên trời"
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá lợn hơi đã về quanh ngưỡng 64-68 nghìn đồng/kg, giảm 40 nghìn đồng/kg so với mức đỉnh lịch sử (105 nghìn đồng/kg) do tác động của dịch tả lợn Châu Phi.
Như vậy, mức giá này đã chạm “đáy” so với kỳ vọng về ngưỡng 65 nghìn đồng/kg của Chính phủ. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh hiện nay, giá thịt lợn bán lẻ vẫn ở mức cao chứ không giảm như giá lợn hơi.
Khảo sát tại chợ Cầu Giấy (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 22/5 cho thấy, thịt mông sấn có giá 120-150 nghìn đồng/kg; Ba chỉ 150-160 nghìn đồng/kg với phần nguyên tảng, cắt bớt phần đầu mỡ 170-180 nghìn đồng/kg; Sườn thăn 160-170 nghìn đồng/kg; Sườn non 160-170 nghìn đồng/kg…
Tại chợ Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội), giá sườn non ở mức 165-170 nghìn đồng/kg, ba chỉ giá 150-170 nghìn đồng/kg; Đùi giá 140-150 nghìn đồng/kg…
Tương tự, tại một số chợ khác như Nghĩa Tân, Cổ Nhuế, Đồng Xa, Xuân Đỉnh, Long Biên,…giá các loại thịt cũng tương ứng ở mức cao phổ biến từ 140-170 nghìn đồng/kg các loại.
Như vậy, đây là mức giá chỉ giảm từ 10-20 nghìn đồng/kg so với thời điểm giá lợn hơi lên cao đỉnh điểm.
Chị Lan, một tiểu thương ở Chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, giá lợn hơi giảm, nhưng chị vẫn phải nhập lợn móc hàm với giá cao, mức 120 nghìn đồng/kg.
“Lượng khách cũng ít nên chủ yếu lấy hàng chọn, giá cao hơn mua “xô” khoảng 10-15 nghìn đồng/kg nên không giảm giá được”, chị Lan nói.
Tương tự, anh Tuấn, một tiểu thương khác chia sẻ, hiện tại, lượng tiêu thụ giảm đi chính là nguyên nhân giá thịt lợn bán lẻ không giảm được nhiều.
“Lượng tiêu thụ giảm tới một nửa. Loại thịt được mua cũng chỉ giới hạn mấy loại thịt ngon như ba chỉ, sườn thăn, sườn sụn. Mà những loại này lại là phần thịt thu được rất ít từ mỗi con lợn nên phải mua giá cao”, anh Tuấn bày tỏ.
Cũng theo tiểu thương này, hiện, giá lợn hơi mua tại nhà dân khoảng 68 nghìn đồng/kg, cao hơn ở các trang trại mức 4-5 nghìn đồng/kg; Vận chuyển về đến nhà thì lên mức 72 nghìn đồng/kg do chi phí môi trường và vận chuyển.
Sau đó, còn phụ thuộc có đạt thành hay không nữa…sẽ cho giá móc hàm khoảng 98-115 nghìn đồng/kg. “Giá bán lẻ thịt ngon mức 150 nghìn đồng/kg là chỉ mới đủ chi phí và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác để điều chỉnh giá”, anh Tuấn nói.
Do tiểu thương "ăn dày"?
Tuy nhiên, chị Hồng, một tiểu thương khác lại cho rằng, chưa giảm với lý do giảm khách là ngụy biện hoặc cố tình không muốn giảm giá.
Bởi chị không bán giá cao như mọi người mà bán chung giá cho tất cả các loại như ba chỉ, sườn non, sườn thăn đồng giá 140 nghìn đồng/kg. Các phần còn lại bán giá thấp hơn mức 100-120 nghìn đồng/kg. Vì thế, lượng tiêu thụ lúc nào cũng tốt.
Phân tích sâu hơn, chủ một lò mổ cho biết, thời điểm giá lợn hơi ở mức 99-105 nghìn đồng/kg, giá móc hàm ở ngưỡng 125-130 nghìn đồng/kg, thịt lợn bán lẻ ở ngưỡng trung bình 180 nghìn đồng/kg.
Tiếp đến, giá lợn hơi xuống mốc 72-74 nghìn đồng/kg, móc hàm ngưỡng 97-105 nghìn đồng/kg, thì thịt bán lẻ xuống 130-140 nghìn đồng/kg.
Nếu lợn hơi ở ngưỡng 64-68 nghìn đồng/kg thì móc hàm xuống còn 84-95 nghìn đồng/kg. Tức, thịt lợn bán lẻ nên ở mức 110-125 nghìn đồng/kg.
“Nếu khách ít có thể cần đối thêm khoảng 10 nghìn đồng/kg chứ không nên giữ mức cao vì lúc này chi phí rủi ro cũng đã giảm đáng kể”, chủ lò mổ nói.
Vị này cho biết thêm, từ giá lợn hơi, khi ra giá móc hàm sẽ đội lên trung bình khoảng 20-25 nghìn đồng/kg. Và từ móc hàm ra bán lẻ cũng thường chênh nhau 20-30 nghìn đồng/kg. Riêng, trường hợp giá lợn hơi cao hẳn, phải tính rủi ro thì giá bán lẻ mới cao hơn nhiều mức này...
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp việc vận chuyển, tiêu thụ trở nên khó khăn, nhiều nông dân lo ngại sẽ...
Nguồn: [Link nguồn]