Giá lợn, gà chạm đáy, ngành nông nghiệp "tắc" tứ bề
Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) cho biết, không chỉ khó khăn ở đầu ra, ở đầu vào nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Khâu sơ chế bị đứt gãy khi lò giết mổ ngừng hoạt động
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện giá lợn hơi tại nhiều địa phương đang được thu mua với giá rất thấp mức từ 51-60 nghìn đồng/kg. Trong khi, từ 11/2020 tới nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần, mỗi lần tăng 300-400 đồng/kg.
Song, thực tế tình hình tiêu thụ khó khăn, giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ và dè chừng trong việc tăng đàn.
Giá lợn xuống thấp nhất kể từ khi lập đỉnh lịch sử.
Tại Đồng Nai, gà công nghiệp không thể xuất chuồng được nằm cả đống kẹt cứng. Giá gà lông trắng xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi gà trắng đang chấp nhận chịu lỗ.
Bộ NN&PTNT lo ngại dư thừa nguồn cung đối với gà lông trắng, chim bồ câu trong thời gian tới. “Việc này khiến giá có thể còn xuống thấp nữa do không tiêu thụ được”, Bộ NN&PTNT dự báo.
Trao đổi với PV, ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lý giải nguyên nhân khiến giá lợn hơi, gà lông trắng giảm là sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, khâu sơ chế gia cầm đã bị đứt gãy khi các lò giết mổ ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.
Theo ông Thắng, tại 19 tỉnh, đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ hoặc không đủ công nhân do phong tỏa.
“Việc duy trì cơ sở giết mổ là hết sức quan trọng trong việc kết nối cung cầu, toàn bộ trâu bò, lợn, gia cầm, thuỷ sản muốn đến người tiêu dùng thì phải qua khâu này”, ông Dương Tất Thắng nói.
"Tắc" cả đầu vào lẫn đầu ra
Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) cho biết, không chỉ khó khăn ở đầu ra, ở đầu vào nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo tổ này, không chỉ tăng giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân bón, mà đã có dấu hiệu khan hiếm các vật tư phục vụ sản xuất.
Đơn cử như, tại Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang khó mua túi bao trái xoài, mít do ngưng sản xuất.
Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; Vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch.
“Nhiều HTX đề nghị Tổ Công tác cung cấp các đầu mối bán cây giống chất lượng, phân hữu cơ bón cho rau và sầu riêng”, Tổ Công tác báo cáo.
Ngoài ra, việc lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, thời gian phải kéo dài do cán bộ muốn xuống các kho lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì phải có giấy xét nghiệm Covid-19.
Bộ NN&PTNT cho biết, để giải quyết tình trạng trước mắt cho đầu ra sản phẩm chăn nuôi, các bên liên quan đang kêu gọi chợ đầu mối, chợ truyền thống mở lại hoặc thực hiện kênh phân phối trực tiếp.
Song song với đó, tìm giải pháp trữ hàng ở các kho lạnh hoặc mở rộng các thị trường khác.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ kết nối với các DN chế biến sản phẩm chăn nuôi lớn như C.P, Masan để chuẩn bị phương án giết mổ gia súc, gia cầm trong bối cảnh nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tạm dừng hoạt động, từ đó giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Dự kiến, trong tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức 2 hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm theo phương thức online, để đưa sản phẩm ra phân phối ở miền Trung và miền Bắc.
Trong đó, dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn kết nối cung cầu với sản phẩm thịt, trứng gà, thuỷ sản với điểm cầu là các HTX, đầu mối cung ứng sẽ giới thiệu sản phẩm, địa chỉ để thực hiện giao dịch qua sàn thương mại điện tử.
Nguồn: [Link nguồn]
Do dịch COVID-19, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang có 1.290 tấn nhãn xuồng cơm vàng giá bán 15.000 đồng/kg; nhãn...