Giá hồ tiêu rơi tự do từ 250.000 đồng xuống 41.000 đồng/kg
Trước đây giá tiêu có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, tuy nhiên thời gian gần đây giá mặt hàng này lao dốc không phanh chỉ còn vài chục ngàn đồng/kg.
Tại hội nghị tổng kết niên vụ hồ tiêu 2018-2019 do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức ngày 10-5 ở TP HCM, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, cho biết trong năm 2018 giá tiêu duy trì được khoảng 55.000-60.000 đồng/kg thì nay tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 41.000 đồng/kg, tức chưa được 1/5 giá thời kỳ đỉnh cao. Nguyên nhân giá tiêu liên tục lao dốc mấy năm nay là do sản lượng tiêu trên thế giới cũng như trong nước tăng cao, kéo theo cung vượt cầu.
Tiêu Việt Nam chiếm vị trí số 1 thế giới
Cụ thể, tổng sản lượng hồ tiêu trên thế giới sản xuất năm 2018 khoảng 556.000 tấn, tăng 8,3% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về sản xuất hồ tiêu với 230.000 tấn, chiếm 42% tổng sản lượng thế giới.
Tính từ năm 2015 đến nay, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới liên tục tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc, trước đây giá trong nước có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 40.000 - 41.000 đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu nếu tự thu hoạch có thể lấy công làm lời, còn thuê nhân công thu hoạch sẽ bị lỗ.
Các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội nghị đều nhận định sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Theo nhận định từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, năm 2019 sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ đạt 602.000 tấn, tăng 8,27%, trong đó Brazil tăng 28%, Campuchia tăng 17%. Riêng Việt Nam dự báo sản lượng đạt 240.000 tấn, tăng khoảng 9%, do diện tích trồng mới từ năm 2014-2016 bắt đầu cho thu hoạch.
Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp hồ tiêu cho rằng không còn cách nào khác phải liên kết với nhau, đồng thời liên kết với nông dân để tạo ra vùng sản xuất hồ tiêu sạch, thậm chí phải sản xuất hữu cơ để xuất khẩu với giá cao. Đây là giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nâng cao năng lực chế biến, gắn liền với phát triển thị trường; tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào. Kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản; đổi mới công nghệ sản xuất, nâng tỉ lệ tiêu trắng xuất khẩu lên 30%-40%, đa dạng hóa sản phẩm (tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu)...
Giá hồ tiêu tụt dốc; các nhà cung ứng, chế biến và xuất khẩu không dám giao dịch. Nông dân thấy giá thấp thì giảm bán...