Giá heo hơi hôm nay 9/9: Thiết lập kỷ lục mới?
Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, sau khi giảm nhẹ, giá heo hơi đã tăng trở lại khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg, cá biệt có một số khu vực tăng đến 3.000 đồng/kg.
Ngành chăn nuôi thắng lớn
Cụ thể, tại miền Bắc, giá heo tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg. Nếu như tại Phú Thọ, giá heo ổn định ở mức 51.000 đồng/kg thì ở Hải Dương là 53.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi tại các tinh miền Trung và Tây Nguyên không có nhiều biến động lớn, ổn định ở mức từ 50.000 – 53.000 đồng/kg, riêng tại Thanh Hóa giá heo đạt 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Miền Nam nằm trong khoảng 48.000 – 53.000 đồng/kg, trong khi tại Long An, Trà Vinh, giá heo tăng 1.000 đồng/kg, đạt mức 51.000 đồng/kg thì riêng tại Cần Thơ, giá heo giảm xuống còn 50.000 đồng/kg.
Giá heo tăng tạo động lực cho người chăn nuôi tái đàn. Ảnh: I.T.
Đánh giá về việc giá heo tăng “phi mã” trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khẳng định, điều này phản ánh đúng quy luật của thị trường và cho thấy ngành chăn nuôi đã đi đúng hướng.
“Không như các ngành khác, với nghề chăn nuôi lợn muốn bình ổn phải mất chu kỳ từ 1,5 – 2 năm nên giá heo tăng thời gian qua đã phản ánh đúng quy luật thị trường. Ngày 28.4.2017, Bộ trưởng Bộ NNPTNT kêu gọi các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp vào cuộc tiêu thụ thịt heo khi thời điểm đó năng lực sản xuất của chúng ta đã quá lớn, dẫn đến cung vượt cầu. Sau khi có sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, người dân, đồng thời cơ cấu lại đàn nái, đến nay, sau 1 năm, giá heo tăng dần” – ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, giá thịt heo thời gian qua có lúc đạt mức 56.000 – 57.000 đồng/kg, hiện giao động trong khoảng 50.000 – 51.000 đồng/kg, với mức giá này, người chăn nuôi có lợi, ngành chăn nuôi phát triển và người tiêu dùng có thể chấp nhận được.
“Chúng ta đã dần đưa ngành chăn nuôi đi vào quỹ đạo, đi đến từng chuồng nuôi có thể thấy sự hưng thịnh của nghề. Đến thời điểm này, có thể nói, ngành chăn nuôi đang thắng lợi; đàn gà tăng 6,6% về sản lượng, trứng tăng 11%, đàn lợn tăng 12%” – ông Dương nói.
Ngoài ra, ông Dương cho rằng, ngành chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn, không còn phát hiện chất cấm; việc xây dựng chuỗi liên kết mà nòng cốt là các HTX, trang trại đang phát triển mạnh; hệ thống luật pháp, thiết chế phát triển đang hình thành (dự thảo Luật Chăn nuôi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới).
Theo ông Dương, mức giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ không đáng lo ngại. Mức giá 45.000 - 50.000 đồng/kg lợn hơi được kỳ vọng sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa để người chăn nuôi có thể bù đắp thua lỗ của năm 2017 và tái đầu tư cho năm 2019.
Nguyên nhân giá thịt lợn tăng thời gian qua là do thiếu hụt nguồn cung cục bộ, chứ tổng cung thịt lợn trên thị trường là không thiếu. Đến thời điểm này, tổng nguồn cung thịt lợn đang phục hồi, chủ yếu đến từ các hộ lớn, trang trại và doanh nghiệp. Dự kiến, trong quý III.2018 tổng nguồn cung thịt lợn cả nước sẽ tăng 1,9%, nhiều khả năng sẽ tăng 2,5% vào cuối quý III.
Tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy ở Trung Quốc. Ảnh: I.T.
Về dịch tả lợn châu Phi đã bị phát hiện tại Trung Quốc, ông Dương cho rằng, chúng ta không nên quá lo ngại nhưng phải tăng cường các biện pháp phòng chống vì ngành chăn nuôi heo đang khởi sắc, lại chiếm tỷ trọng cao, chỉ cần có biến cố là ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
“Dịch tả lợn châu Phi đã có từ lâu, đã lan sang Trung Quốc, loại bệnh này lây lan nhanh, khả năng gây chết trên đàn heo cao, may là không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, Bộ NNPTNT đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu các địa phương phải bình tĩnh, không được chủ quan, kiểm soát tốt sản phẩm nhập khẩu từ heo, từ lợn sống đến thịt đã qua chế biến” – ông Dương nói.
Ngoài ra, ông Dương khuyến cáo người chăn nuôi, các doanh nghiệp, HTX xác định công tác phòng chống dịch rất quan trọng, không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vắc xin; chăm sóc tốt đàn lợn để có sức đề kháng; hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.