Giá hàng nông sản - 5 giảm, 5 tăng
Trong buổi sáng và đầu giờ chiều hôm qua (11.6), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của Quốc hội. Đã có 38 lượt đại biểu (ĐB) đặt gần 60 câu hỏi dành cho tư lệnh ngành nông nghiệp.
Tất cả không phải đều như dưa hấu, hành tím
Ngay đầu phiên chất vấn hôm qua, hàng loạt ĐB đã dồn dập đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản dành cho Bộ trưởng Cao Đức Phát. Các ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), cùng hỏi về việc giải quyết đầu ra cho nông sản và trách nhiệm của người đứng đầu ngành nông nghiệp trong vấn đề này. “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân phản ánh trồng lúa bán ra thì doanh nghiệp kêu xuất khẩu chưa được nên mua giá thấp. Trồng khoai lang, dưa hấu, hành tím thì không có nơi tiêu thụ. Nuôi con tôm, con cá bán ra nước ngoài thì lại bị kiện bán chống phá giá. Là người đứng đầu của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con nông dân và sẽ làm gì để bà con yên tâm hơn trước thực trạng như hiện nay”- ĐB Minh Hoàng hỏi.
Về việc các ĐB lo lắng khi hàng loạt các mặt hàng nông sản bị rớt giá, Bộ trưởng Phát thừa nhận, đang xảy ra tình trạng nay, song không phải tất cả đều như vậy. “Thực tế tình hình cũng không đến nỗi không sáng sủa. Trước khi họp Quốc hội, tôi có điện thoại cho một số lãnh đạo Sở NNPTNT tại các tỉnh ĐBSCL, thì được biết như ở Cần Thơ lúa hè thu, rồi trái cây được mùa, được giá. Ở Hậu Giang, các loại trái cây như cam, chanh cũng được mùa, được giá. Lúa hè thu năm nay bình quân 6 tấn/ha, cùng kỳ năm ngoái có hơn 5 tấn. Tất nhiên là giá bây giờ đang thấp, vì giá thị trường thế giới rất thấp. Tình hình chung của cả nước cũng vậy, không phải tất cả đều như dưa hấu, hành tím”- ông Phát khẳng định.
Theo ông Phát, cũng có mặt hàng được mùa, được giá. Trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay, có 5 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống, đó là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra, ngược lại cũng có 5 mặt hàng lại lên là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả. “Tình hình rất khác nhau, vì vậy trong mọi tình huống chúng ta sẽ bình tĩnh, xử lý...”- Bộ trưởng Phát giãi bày.
Không buông chăn nuôi
Các ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Ngọc Hòa (TP. HCM) đều tỏ ra khá lo ngại cho ngành chăn nuôi trong nước, nhất là trong bối cảnh nước ta đang ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước. Câu hỏi đặt ra là: “Mức nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm đông lạnh đã phủ kín các phân khúc thị trường vì giá thành sản xuất thịt ở các nước rẻ hơn Việt Nam từ 25-30%. Xin Bộ trưởng cho biết khi ký kết FTA và gia nhập nhiều thị trường, chung thì Bộ có sẽ có những giải pháp gì để giảm bớt những thách thức của ngành chăn nuôi?”.
Bộ trưởng Phát trả lời: “Từ đầu năm, chúng ta đã nhập khẩu 45.000 tấn thịt gà, 130.000 con trâu, bò, 11.700 tấn thịt trâu, bò. Con số này là lớn nhưng so với 4,5 triệu tấn thịt các loại chúng ta tiêu dùng ở trong nước hàng năm thì cũng chiếm tỷ lệ còn rất nhỏ. Nhưng điều chúng ta mong muốn không phải là để nhập nhiều, chúng ta muốn để cho bà con mình nuôi được nhiều và có thu nhập, vấn đề này liên quan đến thực hiện các chính sách để phát triển chăn nuôi”.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời, ĐB Trần Ngọc Vinh hỏi tiếp: “Bộ trưởng thừa nhận thịt đông lạnh nếu tính trên con số thì nhiều, nhưng so với trong nước thì không nhiều. Nhưng nếu chúng ta tham gia sâu, rộng vào thị trường của các nước thì thịt các nước ồ ạt vào đây thì giải pháp của chúng ta như thế nào?”. Ông Phát cho rằng: “Với việc chúng ta mở cửa hơn nữa, thì sản phẩm chăn nuôi của các nước có vào nhiều hay không, điều này còn tùy thuộc vào khả năng của chúng ta nâng cao nhanh tính cạnh tranh của ngành chăn nuôi”.
Ông Phát cũng cho biết, hiện chúng ta còn 4 triệu hộ nuôi lợn, 8 triệu hộ nuôi gà. Đây là nguồn thu nhập quan trọng của nhân dân, nên chúng ta phải hỗ trợ nhân dân nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và duy trì chăn nuôi để duy trì nguồn thu nhập.