Giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo giá điện, xăng
Theo rất nhiều người dân, cái nóng của thời tiết và mang tính quy luật vẫn có phần nào ít ngột ngạt hơn cái “nóng” do giá điện và giá xăng như “hẹn nhau” tăng “phi mã”. Hệ lụy của sự tăng cùng lúc của giá điện và xăng khiến nhiều mặt hàng và dịch vụ tăng theo, tạo áp lực lớn lên đời sống người dân, đồng lương, mức thu nhập của cán bộ công chức và người dân vẫn đứng yên, chưa được điều chỉnh...
Sau khi EVN thông báo tăng giá điện sinh hoạt từ 20-3 vừa qua, điểm chung của hầu hết các gia đình là “sốc” khi nhìn thấy hóa đơn tiền điện vọt lên rất nhiều, thậm chí gấp đôi so với trước.
Chị Trần Thanh Lan, nhà ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh thở dài: “Tôi cứ tưởng đồng hồ điện nhà mình bị hư nên qua nhà hàng xóm hỏi mới biết, do giá điện tăng. Tôi mải lo làm nên không có thời gian theo dõi thông tin nên không biết tăng giá điện, mà giá xăng cũng tăng. Trung bình, mỗi tháng nhà tôi xài hết 780.000 đồng, nhưng tháng rồi tăng lên 1,118 triệu đồng”.
Chị Lan cho biết chị là nhân viên cho công ty chuyên bán tấm Alu, làm ăn sản phẩm nên thu nhập không được bao nhiêu. Trong câu chuyện giữa chị Lan và 3 người phụ nữ ngồi ở trước căn nhà tôn đã cũ trong con hẻm nhỏ đường đất chủ yếu xoay quanh việc giá điện, xăng và giá các mặt hàng, nhất là thực phẩm rau, cá… Cuộc sống đã khó khăn giờ càng thêm khó khăn khi tất cả bị tác động bởi điện và xăng dầu.
Bà Nguyễn Thị Chiêm (gần nhà chị Lan) lắc đầu nói, trước đây bà đi chợ mỗi ngày mua hết 100 ngàn cho 3 người trong gia đình ăn. Thế nhưng mấy ngày rồi đi mua, mấy người bán hàng nói giá xăng tăng nên giá thực phẩm phải tăng theo. Nghe vậy, bà chỉ còn biết điều chỉnh bằng cách mỗi ngày phải mua ít hơn.
Tối 6-5, PV Báo CAND đi một vòng một số khu nhà trọ thuộc các xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn)… Trong nhiều con hẻm và khu dân cư, người dân đều ra trước nhà, trước khu nhà trọ, thậm chí ngồi xuống lòng đường. Tôi ghé vào chỗ có một nhóm người đang ngồi trong con hẻm nhỏ của xã Vĩnh Lộc B nói đi tìm nhà trọ thuê để bắt chuyện.
Nắng nóng khiến nhiều trẻ phải nhập viện.
Qua trao đổi, một người đàn ông tên Thành nói: “Ở nhà trọ thì khổ, chúng tôi cũng ở trọ đây nè, trời nóng quá phải ra đường ngồi cho mát, chứ ở trong phòng dùng quạt thì tốn điện. Tôi đọc báo thấy Hàn Quốc, Thái Lan gì đó họ giảm giá điện cho người dân vào mùa hè nóng nực, còn nước mình lại tăng giá điện và xăng cùng lúc ngay mùa nắng nóng”.
Nhìn những căn phòng trọ chật chội, cũ kỹ, có gia đình ở trong căn phòng khoảng trên 10m2 nhưng có đến 4 người, nhất là những gia đình có con nhỏ, trông các bé rất tội nghiệp, chúng tôi thấy trong lòng cứ có điều gì đó lợn cợn. Chúng tôi tiếp tục đi và dừng lại trước một phòng trọ ở gần đó, chúng tôi thấy hai đứa trẻ chừng từ 3 – 5 tuổi chỉ mặc mỗi cái quần đùi và nằm lăn ra nền nhà, đứa bé hơn đang khóc, người mẹ dỗ dành mãi không nín nên đã quát, nhưng bé vẫn khóc.
Lúc này, một người đàn ông khoảng 50 tuổi tiến đến và nói: “Dạo này trời nực quá nên nó bị bệnh, đi khám bác sĩ rồi nhưng vẫn chưa hết, khó chịu trong người nên nó khóc suốt, nhà thì có mỗi cái quạt điện. Hôm rồi tôi đem cho một cái quạt điện cũ mà không thấy sử dụng, hỏi ra chồng chị ấy nói mở nhiều quạt tốn điện”.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận 4 vào sáng 6-5 của tổ đại biểu Quốc hội số 1, cử tri than phiền nhiều về việc giá điện tăng cao, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đồng cảm và chia sẻ với người dân và cho rằng, việc tăng giá điện trong thời điểm này là chưa hợp lý.
“Vấn đề là EVN tăng 8,3% cho từng bậc thang chứ không phải tăng 8,3% cho nguyên hóa đơn điện làm cho tiền điện tăng 50% so với khi tiền điện chưa tăng giá”, chị Lê Thị Thanh Thu, ở phường 8, quận 4, bức xúc.
Theo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 3-5, thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng 1900.545454, điện lực thành phố đã nhận được phản ánh của 714 khách hàng về tiền điện tháng 4 tăng 1,5 lần so với tháng trước đó. Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, sản lượng điện tiêu thụ tại thành phố chủ yếu trong sinh hoạt và dịch vụ, trong đó, điện sinh hoạt chiếm 41%.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng cho biết, DN ông cố kìm giữ giá suốt ba năm nay vì sợ mất thị trường, mặc dù thời gian qua, giá vải, giá nguyên phụ liệu đầu vào, giá xăng dầu... đều tăng. Nhưng đến tháng 4 vừa qua, khi giá xăng dầu, giá điện như “hẹn nhau” tăng vọt, DN không thể tiếp tục “gồng” nổi nữa, buộc phải tăng giá.
DN đã gửi thông báo đến các đại lý, sẽ áp dụng tăng giá sản phẩm vào giữa tháng 5. Tuy nhiên, không phải đại lý nào cũng chấp nhận chia sẻ khó khăn với DN, vì họ sợ tăng giá sẽ ảnh hưởng đến sức mua, giảm doanh số, giảm lợi nhuận. Trước mắt, công ty chỉ dám tăng giá 15% ở một số dòng sản phẩm bán chạy, còn lại tăng từ từ 5%, 10%.
Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty SaigonFood cho biết, ngoài việc tăng giá xăng, giá điện, công ty cũng nhận được thông báo tăng giá các nguyên phụ liệu, bao bì... nên công ty cũng tính đến phương án tăng giá. Nếu cộng dồn các chi phí tăng thêm thì mức tăng giá sản phẩm sẽ phải cao hơn 10%.
Ông Bùi Khắc Khoan, Giám đốc Công ty Nội thất Thuận Phát cho biết, giá điện trong tháng 4 tại DN tăng vọt lên gấp đôi, giá xăng liên tiếp tăng 3 lần trong một tháng đã khiến DN choáng váng. “Trước đây, lợi nhuận của DN là 15%, nhưng với tình hình giá điện, xăng tăng cao như vậy, dự báo lợi nhuận sắp tới của công ty chắc không đạt tới hai con số”, ông Khoan chia sẻ.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng, giá điện đã đẩy giá nhiều ngành hàng khác tăng theo vì xăng, điện là một trong những chi phí đầu vào của DN sản xuất. Vì vậy, để cắt giảm chi phí, DN chỉ có hai cách: Thứ nhất, cắt giảm những chi phí có thể kiểm soát được như quản trị, marketing...; thứ hai là tăng giá thành sản phẩm. Phương án hai sẽ không dễ dàng trong tình hình cạnh tranh hiện nay. Việc tăng giá sản phẩm cần được tính toán, cân nhắc kỹ để người tiêu dùng chấp nhận, nếu tăng cao sẽ bị ảnh hưởng thị phần.
Không chỉ người dân, doanh nghiệp, giá điện tăng những ngày qua đã khiến cả những người làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng lên tiếng. Một lãnh đạo Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khi vận hành nhất là thời điểm trời nắng nóng, khu vực phòng mổ, khu vực vệ sinh, phòng nằm nội trú cho bệnh nhân sẽ tăng cơ số điện sử dụng nhanh. Tất nhiên, không vì việc giá điện tăng mà làm ảnh hưởng tới việc chữa trị.
“Thực trạng việc thu phí các loại hình dịch vụ y tế trong khối bệnh viện hiện còn chưa thu đủ và chưa thu đúng. Thu chưa đủ mà phần chi lại tăng đột ngột do giá điện tăng, đương nhiên hoạt động bị ảnh hưởng, nguồn tiền cấp từ ngân sách cho BV buộc phải bị ảnh hưởng, tác động. Bệnh viện không có quyền tăng giá viện phí hay thu thêm người bệnh dù giá điện tăng. Đây là vấn đề không nhỏ cần được xem xét, tháo gỡ”, một lãnh đạo bệnh viện cho biết...
Lãnh đạo một bệnh viện khác phân tích, chi phí tăng nhưng giá cả các dịch vụ, bệnh viện không được tự ý tăng. “Bệnh viện tư có thể thu một loại hình dịch vụ 10 triệu, nhưng bệnh viện công có khi chỉ 2 triệu. Tức là thu chưa đủ, nhưng giá điện tăng thì phải tự "cân đong, đo đếm" mà không được quyền thu thêm bất cứ đồng nào với người bệnh. Việc thu phí phục vụ bệnh nhân vẫn còn mang tính phục vụ, chưa đủ giờ còn phải bù thêm. Như vậy là thiếu sự công bằng”, vị lãnh đạo này nói và đề xuất trong tình hình này, Nhà nước nên có phương án hỗ trợ khối bệnh viện công về dự án làm điện xanh - sạch đó là điện năng lượng mặt trời. Tất nhiên đây cũng chỉ là một giải pháp.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu không giảm thuế bảo vệ môi trường, phí, chi phí đối với tất cả mặt hàng xăng dầu thì...