Giá gas vẫn có thể giảm

Giá gas bán lẻ ra thị trường sẽ giảm khi DN không tính giá cước vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu vốn không hề có vào giá thành.

Hiện nay cả nước có 134 doanh nghiệp (DN) được phép nhập khẩu và kinh doanh gas. Tuy nhiên, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) chiếm đến 80% thị phần khi sở hữu 40% nguồn gas trong nước và 40% nguồn gas nhập khẩu. Ngoài một số DN chủ động nhập, còn lại đa số DN đều mua gas qua đơn vị này theo hợp đồng ba hoặc sáu tháng.

Vấn đề đặt ra là nguồn gas trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa… nhưng giá vẫn được tính ngang với giá thế giới. Như vậy phần chênh lệch thuế và phí này đang rơi vào tay ai?

Đấu giá vì ai?

Toàn bộ nguồn gas trong nước khoảng 640.000 tấn, DN muốn sở hữu phải đấu giá. Tuy nhiên, sự bất hợp lý ở đây là PV Gas - “con” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - là đơn vị thực hiện đấu giá và chỉ đấu giá 50% sản lượng (150.000 tấn) của Nhà máy Dung Quất và 75% Nhà máy Dinh Cố (200.000 tấn), phần còn lại để cho các công ty con phân phối và bán lẻ.

Một DN không muốn nêu tên cho biết gần đây các đơn vị đấu giá thành công chỉ thuộc về một số DN như Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Bắc, Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam… Như vậy đấu giá chỉ là “hình thức” bởi ngoài giá thế giới, các DN sẽ đấu thầu giá cước vận chuyển, bảo hiểm… Việc này không mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng (NTD) mà chỉ rơi vào một nhóm lợi ích nào đó.

Giá gas vẫn có thể giảm - 1

Chưa biết đến bao giờ người tiêu dùng mới được tiếp cận giá gas hợp lý.

PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, nhận định việc PV Gas chiếm đến 80% thị phần như vậy là độc quyền. “Chúng ta chưa có thị trường tự do mà cho DN định giá theo giá thế giới thì rất nguy hiểm. Bởi DN sẽ làm những gì có lợi cho họ” - ông Trình nói.

Một DN kinh doanh gas cho biết PV Gas vừa công khai đấu giá, vừa có nguồn gas Dung Quất, Dinh Cố nên tạo được nhiều lợi thế. Khi một DN có được số lượng lớn gas trong nước rồi bỏ thầu giá cao thì DN khác làm sao cạnh tranh nổi. Họ bỏ thầu cao, đẩy giá càng cao càng tốt càng lời. Bởi khi thắng thầu, họ nắm được toàn bộ nguồn gas trong nước nên có quyền định giá thị trường.

Hiện nay có ý kiến đề xuất đấu giá 100% sản lượng gas để tạo nên sự cạnh tranh công bằng và có giá tốt nhất. Theo đó, tất cả DN đều đi đấu giá để ai cũng có thể mua với giá tốt nhất. Tuy nhiên, ngay cả việc đấu giá này cũng không mang lại lợi ích cho NTD.

Sẽ giảm được giá gas

Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết hiện nay các DN đều không có kho dự trữ lớn, chủ yếu chỉ 1.000-1.500 tấn. Đến cuối năm 2014, khi Petro Việt Nam có kho dự trữ 60.000 tấn cùng với kho Vina Benny (liên doanh giữa PV Gas miền Nam, Marubeni Nhật Bản và Công ty Việt Long) có sức chứa 84.000 tấn đi vào hoạt động thì có thể đảm bảo giá gas không biến động khi giá thế giới tăng quá cao.

Sở Tài chính TP.HCM đã có văn bản kiến nghị lên Ủy ban về những bất hợp lý trong việc quản lý giá mặt hàng gas khi thực hiện theo Thông tư 22/2010/TT-BTC ban hành ngày 12-8-2010. Văn bản phân tích: Theo quy định của Chính phủ, giá gas trong nước phụ thuộc giá gas thế giới nên DN không kiểm soát giá bán ra. Giá bán chỉ được quyết định tăng hoặc giảm vào đầu mỗi tháng khi giá thế giới công bố, dù gas nhập hay không nhập. Vì vậy, việc giá gas trong nước điều tiết theo giá thế giới như hiện nay chỉ mang lợi ích cho một số nhà kinh doanh mà không giúp bình ổn thị trường gas do sự chênh lệch cước vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu… không được trừ vào giá bán.

Bên cạnh đó, hiện PV Gas chiếm đến 80% thị trường, tiếp đến là Saigon Petro và Petrolimex. Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và tránh rủi ro, chống liên kết trong khâu định giá, Nhà nước cần mở rộng đối tượng tham gia đấu thầu trực tiếp toàn bộ sản lượng gas trong nước. Không nên để một vài DN đầu mối chi phối thị trường và để DN sản xuất trong nước xác định giá bán nhằm có mức giá hợp lý đến tay NTD.

Các DN cho rằng với việc PV Gas chiếm thị phần quá lớn, Nhà nước có thể chủ động chi phối giá gas thống nhất trong nước như giá xăng dầu. Cùng với khoản chênh lệch khi gas trong nước không chịu thuế nhập khẩu, Nhà nước có thể khi dùng vào việc điều tiết chính sách giá như giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế VAT, chắc chắn lúc đó NTD mới nhận được mức giá hợp lý.

Giá gas nhập khẩu hay mua trong nước đều có công thức tính chung:

Giá vốn = (giá thế giới + cước vận chuyển…) x (1 + VAT) x ( 1 + Thuế nhập khẩu) tỉ giá. Ví dụ giá gas tháng thế giới 9 là 950 USD, giá vốn được tính như sau: Giá = (950+90) x (1+0,1) x (1+0,05) = 20.000

Theo quy định hiện nay chỉ có năm DN đầu mối đăng ký trực tiếp lên Bộ Tài chính, các công ty khác đăng ký với Sở Tài chính địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng với cách làm này, cơ quan chức năng chỉ kiểm soát giá qua đăng ký chứ không có cơ sở để kiểm tra cụ thể cơ cấu giá và xem xét mức giá đó có hợp lý hay không.

Theo cơ cấu tính giá thành đến NTD, giá DN quy định bán sỉ là 373.000 đồng/bình 12 kg

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Linh - Báo Pháp luật TPHCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN