Giá gạo xuất khẩu xuống thấp
Chính phủ mua tạm trữ 500.000 tấn gạo và lần đầu tiên Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa ngay từ đầu vụ đã cho thấy các cơ quan chức năng đang nỗ lực giữ giá lúa vụ hè thu, không để nông dân thua lỗ trước bối cảnh giá gạo xuất khẩu đang giảm mạnh.
Tại hội nghị “Sơ kết xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm và kế hoạch sáu tháng cuối năm 2012” do Hiệp hội Lương thực VN (VFA) tổ chức ngày 5-7 ở TP.HCM, tổ chức này cũng khẳng định ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành xuất khẩu gạo sáu tháng cuối năm nay là tìm cách tiêu thụ hết lượng gạo hàng hóa, đồng thời giữ giá lúa không giảm thêm.
Giá gạo giảm nhanh
Theo dự báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá xuất khẩu gạo nửa cuối năm 2012 sẽ tiếp tục sụt giảm do nguồn cung dồi dào.
Nên mua tạm trữ với mức giá sàn Bộ Tài chính vừa công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm 2012 ở các tỉnh ĐBSCL xấp xỉ 4.000 đồng/kg. Tính ra nông dân có lãi 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo nhiều nông dân, trong quá trình sản xuất cho đến khi bán lúa cho thương lái còn phát sinh nhiều chi phí vô hình khác, nên với giá lúa khô 5.000 đồng/kg thì họ chỉ huề vốn là may mắn. Hiện một số vùng bị ngập phải bơm tát và chi phí thu hoạch tăng, nhiều khả năng sẽ còn bị lỗ. Mặc dù Chính phủ chủ trương mua 500.000 tấn gạo tạm trữ vụ hè thu, thế nhưng chỉ có những nông dân thu hoạch lúa thời điểm từ giữa tháng 7-2012 được hưởng lợi chút ít vì giá có nhích lên, còn nông dân thu hoạch trước đó phải chịu thiệt vì lúc đó giá lúa chỉ có 4.800 đồng/kg. Theo các chuyên gia, trong tình hình hiện nay cần áp dụng biện pháp mua tạm trữ với giá sàn đảm bảo nông dân có lãi 30%. V.TR. |
Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA, cho biết dự báo mới nhất của USDA và FAO đều cho thấy sản lượng và tồn kho toàn cầu năm 2012 tăng cao kỷ lục. Dù tiêu dùng mặt hàng gạo được dự đoán cũng tăng lên nhưng thấp hơn mức tăng của sản lượng. Riêng tiêu thụ gạo thương mại toàn cầu giảm 2% so với năm 2011.
Hiện hai quốc gia có sản lượng gạo tồn kho khổng lồ là Ấn Độ với trên 33 triệu tấn và Thái Lan trên 11 triệu tấn càng tạo ra áp lực tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới. “Đặc điểm chung của thị trường gạo sáu tháng cuối năm nay là sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất và cung cấp” - ông Bảy nói.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của VN từ mức chỉ đứng sau Thái Lan giờ đã thấp nhất trong nhóm xuất khẩu của châu Á, dưới cả Pakistan, Ấn Độ vốn được xem là các quốc gia bán giá rẻ.
Theo ông Bảy, giá gạo xuất khẩu của VN giảm nhanh trong nửa đầu năm 2012 do thiếu nghiêm trọng những hợp đồng tập trung như các năm trước. Indonesia là thị trường xuất khẩu tập trung lớn nhất của VN năm 2011 hiện chưa có nhu cầu, thị trường Malaysia năm nay cũng không thay đổi nhiều và kéo dài thời gian giao hàng, còn Philippines nhập khẩu chậm. Thị trường gạo cấp thấp của VN tại châu Phi hầu như bị mất vào tay Ấn Độ và Pakistan.
“Xuất khẩu gạo VN trong quý 1 chậm vì giá cao (chỉ đạt gần 1,1 triệu tấn). Bước sang quý 2 các doanh nghiệp phải giảm giá bán để cạnh tranh với Ấn Độ nhằm giải quyết tồn kho và kịp thời tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân, đồng thời giảm áp lực lãi suất vay ngân hàng” - ông Bảy cho biết. Hiện giá lúa trong nước đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg với lúa hạt dài và 4.650 đồng/kg với lúa thường. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Tiến - tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang, doanh nghiệp nước ngoài đang ép giá doanh nghiệp trong nước vì biết VN đang thu hoạch rộ lúa hè thu trong tháng 7, tháng 8.
Nhiều giải pháp giữ giá lúa
Để giữ giá lúa trong nước, theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA, phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào các giải pháp trong nước. Hiện VFA đã họp và chỉ định 92 doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lúa hè thu (tăng năm doanh nghiệp so với tạm trữ vụ đông xuân) kể từ ngày 10-7 và tiến hành trong vòng một tháng.
Giá lúa gạo tăng 100 đồng/kg Ngày 5-7, ông Chung Văn Hoàng (thương lái ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết hiện mua lúa hè thu của nông dân các huyện biên giới tỉnh Long An với giá 4.200 đồng/kg lúa tươi và 5.000 đồng/kg lúa khô, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước. Do các doanh nghiệp xuất khẩu “ăn hàng” mạnh nên hầu hết sản lượng lúa thu hoạch đều được thương lái mua hết. Ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết giá gạo lứt IR50404 mua trong ngày 5-7 ở mức 6.700 đồng/kg, còn gạo lứt hạt dài 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. V.TR. |
Bên cạnh mua tạm trữ theo quy định của Chính phủ, ông Trương Thanh Phong cũng cho biết VFA tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực mua lúa để thực hiện các hợp đồng đã ký kết và mở rộng các thị trường đã có. “VN mới có thêm hợp đồng với Philippines, đồng thời doanh nhân Trung Quốc đã quay trở lại mua gạo sau thời gian gián đoạn nên các doanh nghiệp cũng cần một lượng hàng khá lớn để giao cho các hợp đồng mới này. Do đó, chúng tôi đảm bảo tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong năm nay và giữ giá lúa không thấp hơn hiện tại” - ông Phong nói.
Còn ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cũng cân nhắc để xuất khẩu vào các thị trường mới hoặc quay lại những thị trường đã bị mất. “Hiện nay gạo VN đã bắt đầu vào được thị trường Hàn Quốc. Đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng khó tính” - ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, sau năm năm gián đoạn vì dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp trong nước đang tiếp cận trở lại thị trường Nhật Bản. “Gạo VN giờ đã đảm bảo chất lượng hơn trước, trong khi giá rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Nhu cầu nhập khẩu của Nhật trong năm 2012 là 660.000 tấn, nếu tuân thủ tốt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm thì đây là một thị trường rất tiềm năng cho gạo VN trong thời gian tới” - ông Tiến cho biết.
Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA
Sẽ tiêu thụ hết lúa trong dân
Đó là khẳng định của ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, khi trao đổi với PV bên lề hội nghị.
* Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu, nhưng liệu có đảm bảo người trồng lúa có lời tối thiểu 30% không thưa ông, bởi kế hoạch mua tạm trữ không quy định giá mua tối thiểu?
- Theo quy định của Chính phủ, trong đợt mua tạm trữ 500.000 tấn gạo hè thu này các doanh nghiệp mua theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh nên chúng tôi không có mức giá tối thiểu cụ thể nào được công bố nhưng sẽ đảm bảo không để giá lúa xuống thấp hơn hiện nay.
Hơn nữa, quy định của Chính phủ đảm bảo người dân có lãi tối thiểu 30% là tính chung cho cả năm chứ không phải cho từng vụ. Do đó, có thể vụ hè thu người dân có lời thấp một chút nhưng bù lại bằng vụ khác nên tính cả năm vẫn đảm bảo mức tối thiểu 30%.
* Lượng gạo hàng hóa vụ hè thu là 2,9 triệu tấn, Cục Trồng trọt đề xuất mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhưng VFA chỉ đề xuất mua 500.000 tấn. Phải chăng VFA mua tạm trữ ít để giữ giá lúa ở mức thấp, đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp thành viên trong trường hợp giá xuất khẩu gạo vẫn thấp trong thời gian tới?
- Chúng tôi đề xuất con số 500.000 tấn là dựa trên tính toán, cân đối rồi chứ không phải là con số chủ quan. Và 500.000 tấn là đủ giữ giá lúa trong nước rồi chứ không cần phải mua thêm. Lúa hè thu thu hoạch rải đều hơn lúa đông xuân, lượng hợp đồng còn giao khá lớn trong khi tồn kho thấp hơn lượng hàng phải giao. Ngoài mua tạm trữ, các doanh nghiệp cũng phải mua gạo để giao cho các hợp đồng đã ký, các hợp đồng sắp ký và hàng gối đầu cho quý 1-2013.
Tính đến hết tháng 6, lượng hợp đồng đã ký đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh lượng gạo đã xuất khẩu đạt trên 3,4 triệu tấn, lượng hợp đồng chưa giao hàng còn trên 1,8 triệu tấn, cao hơn mức tồn kho trong doanh nghiệp. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân với lượng xuất khẩu từ 7-7,2 triệu tấn trong năm 2012.
Mục tiêu của đợt mua tạm trữ này là giữ giá chứ kích giá nội địa tăng cao hơn giá xuất khẩu thì khó. Chính sách không để người dân thiệt hại nhưng cũng không để doanh nghiệp thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp mua lúa gạo đông xuân với giá cao hiện khó khăn vì không bán được.
* Trong trường hợp đã mua hết 500.000 tấn gạo nhưng giá lúa vẫn tiếp tục đi xuống thì sao, thưa ông?
- Chúng tôi sẽ có những giải pháp can thiệp tiếp theo cho tình huống này nhưng hiện chưa thể tiết lộ vì chúng ta còn chưa mua tạm trữ. Nhưng tôi đảm bảo rằng những biện pháp này sẽ giữ giá lúa không xuống thấp hơn so với hiện nay.
Ông Huỳnh Thế Năng (phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang): Nên nâng số lượng mua tạm trữ Với sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL hiện nay nếu chỉ mua tạm trữ 500.000 tấn là quá thấp, sẽ không có tác dụng gì trong việc giữ mức giá lúa gạo đừng sụt giảm. Theo tôi, phải nâng số lượng và mức giá thu mua tạm trữ lên nữa mới đảm bảo lợi nhuận tương đối cho người trồng lúa. Phương thức hỗ trợ cũng cần phải thay đổi, thay vì hỗ trợ vốn lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ thì nên thực hiện cách nào đó hiệu quả hơn để sự hỗ trợ này thật sự đến tay nông dân. Chẳng hạn nên hỗ trợ những hộ tham gia sản xuất trong các mô hình cánh đồng mẫu lớn được gửi lúa trong kho của doanh nghiệp, giãn nợ ngân hàng, hỗ trợ nông dân có điều kiện lưu trữ để họ có cơ hội chờ giá lúa có lợi hơn. Đ.VỊNH ghi |