Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại

Thị trường xuất khẩu gạo đang khởi sắc trở lại bằng một số tín hiệu vui từ phía các doanh nghiệp.

Trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cho biết đã ký được hợp đồng và đặc biệt là giá gạo xuất khẩu đã tăng trở lại sau thời gian dài giảm chạm đáy, gần như đạt mức thấp nhất thế giới kể từ đầu năm.

Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinh Phát, cho biết DN đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu sang thị trường châu Phi và Trung Quốc. Giá gạo xuất khẩu các loại gạo đang có dấu hiệu tăng trở lại như giá gạo cấp cao 5% tấm đã tăng từ 385 USD/tấn lên trên mức 400 USD/tấn.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cũng nói giá lúa gạo nội địa đang tăng trở lại nhưng có thể do DN ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu chứ thực sự nhu cầu nhà nhập khẩu không tăng.

Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại - 1

Thu mua gạo xuất khẩu tại nhà máy Ninh Quới, huyện Hồng Dân. Ảnh: L.Dũng

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, việc giá lúa đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm 500-700 đồng/kg chủ yếu do các DN tham gia tạm trữ đang ráo riết mua cho đủ chỉ tiêu được phân bổ trước khi chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu kết thúc vào cuối tháng 7 này. Vụ hè thu lại thu hoạch thành nhiều đợt do mưa nhiều, DN phải thu mua từng ít một, vì vậy giá lúa cũng có cơ hội tăng.

Tuy nhiên, ông Lâm Anh Tuấn lưu ý thêm rằng hiện tại, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang ở mức 475-485 USD/tấn, chỉ cao hơn gạo 5% tấm của Việt Nam khoảng 75-85 USD/tấn. Khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể so với mức 100 USD/tấn ở quý I-2013. Có thông tin giá gạo Thái Lan tiếp tục giảm nữa và nước này có kế hoạch xuất khẩu 4-5 triệu tấn gạo trong sáu tháng cuối năm 2013. Thái Lan đang tìm mọi cách giảm giá gạo bán, bằng chứng là giá gạo Thái Lan đang chiếm ưu thế trong đợt đấu thầu xuất khẩu sang Iraq với giá thấp.

“Chính vì thế, giá gạo xuất khẩu Việt Nam khó có thể tăng trong thời gian tới, nếu tăng nữa thì khó bán được cho ai. Hơn nữa, gạo vụ hè thu lại có chất lượng không cao, khó được khách hàng chấp nhận, vì vậy DN gặp nhiều khó khăn phải thỏa thuận với nhà nhập khẩu về tỉ lệ đấu trộn gạo vụ đông xuân với gạo vụ hè thu. Vì vậy, nói là giá gạo xuất khẩu tăng nhưng thực tế hợp đồng xuất khẩu cũng không ký được giá cao, DN vẫn phải ký giá thấp mới bán được gạo” - ông Tuấn thông tin.

Theo ông Tuấn, với tình hình giá lúa trong nước tăng mà DN ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp thì chỉ có lỗ nặng. Do đó, DN càng cần tuân thủ đúng quy định giá sàn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra để thống nhất ký hợp đồng với giá có lợi nhất.

VFA thống kê từ đầu năm tới ngày 18-7-2013, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,72 triệu tấn gạo với trị giá khoảng 1,6 tỉ USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình khoảng 430 USD/tấn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN