Giá gạo xuất khẩu giảm kỷ lục, tiểu thương dừng mua bán
Gần Tết nhưng giá gạo xuất khẩu giảm xuống thấp kỷ lục, giao dịch lúa gạo trong nước cũng ảm đạm dù đang chính vụ thu hoạch.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 434 USD/tấn, xuống thấp hơn gạo Thái Lan (479 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 2 năm qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 409 USD/tấn và 326 USD/tấn.
Trước biến động về giá lúa gạo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - lý giải, giá gạo không thể nào tăng mãi, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Ảnh minh họa: VGP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, giá lúa trong nước tiếp tục giảm dù nông dân đã vào chính vụ thu hoạch. Cụ thể, ngày 14/1, thương lái đã điều chỉnh giá thu mua lúa IR 50404 xuống mức 6.200 - 6.400 đồng/kg, giảm 900 đồng/kg so với cuối tuần trước. Tương tự, lúa OM 5451 xuống mức 6.500 - 6.700 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó, lúa OM 380 giữ giá từ 6.600 - 6.700 đồng/kg; lúa Nhật ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg.
Tương tự, với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang hiện gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.650 - 7.750 đồng/kg, giảm 250 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Giao dịch gạo tại địa phương chậm và ít, giao dịch lúa mới tiếp tục chậm do giá lúa biến động liên tục. Tại nhiều địa phương, hôm nay giao dịch lúa, gạo gần như ngưng trệ. Các doanh nghiệp không xuất được hàng khiến cho thương lái ít thu mua lúa, gạo thậm chí bỏ cọc dù đang vào chính vụ thu hoạch.
Ở nhiều tỉnh thành, lượng lúa gạo được thu mua về ít, giao dịch mới tiếp tục chậm, nhiều chủ kho nghỉ Tết sớm. Tại Sóc Trăng, nhu cầu hỏi mua mới không nhiều, thương lái bỏ cọc nhiều. Tại Đồng Tháp, nông dân chào bán lúa giá giảm nhưng ít thương lái mua.
Giá gạo xuất khẩu có phiên giảm dài từ đầu năm 2025 đến nay khiến cho giá lúa, gạo trong nước cũng trên đà giảm. Ảnh: Hữu Khoa.
Một thương nhân tại ĐBSCL cho biết, các hoạt động giao dịch trong tuần này diễn ra ảm đạm, nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường quốc tế yếu. Do không có đơn hàng mới kết hợp với giá gạo xuất khẩu đang ở mức thấp nên doanh nghiệp chủ động đóng giao dịch, nghỉ Tết sớm, đợi giá lên.
Tình trạng này diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khi thị trường dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng trong vài tuần tới do vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA - cho rằng xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ đối diện với nhiều khó khăn do sự trở lại của gạo Ấn Độ. Biến động mạnh về giá trong những ngày đầu năm đang phản ánh rõ nét bối cảnh cung cầu toàn cầu, khi Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, đẩy nguồn cung gạo lên cao vào năm 2025. Một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm còn là do Philippines, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông xuân sắp tới.
Mặt khác, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - khẳng định mặc dù Ấn Độ mở cửa trở lại gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng thị trường xuất khẩu quốc tế còn rộng mở, gạo Ấn Độ không thể "chèn ép" được gạo của Việt Nam. Ông Tiến khẳng định, trong năm 2025 xuất khẩu gạo sẽ vẫn phát triển mạnh không thua kém năm 2024.
Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt tới 9,18 triệu tấn, kim ngạch đạt 5,75 tỉ USD; tăng 12% về lượng và 23% về giá trị so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 627 USD/tấn, tăng 9% so với năm 2023.
Giảm mạnh trong nhiều phiên liên tiếp, giá gạo Việt rơi gần về "đáy” 2 năm. Trong khi giá gạo Thái Lan giữ ổn định, đồng thời chiếm ngôi đắt đỏ nhất...
Nguồn: [Link nguồn]
-14/01/2025 17:53 PM (GMT+7)