Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế
Giá gạo 5% và 25 tấm của Việt Nam đang cao hơn của Thái Lan và Pakistan từ 90 – 118 USD/tấn. Giá gạo tăng "nóng" dẫn đến một số doanh nghiệp lỗ quá nên đã hủy hợp đồng.
Ngày 3-11, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và trang Nhịp sống kinh doanh (BizLIVE) phối hợp tổ chức hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam".
Quang cảnh hội thảo
Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến trong tháng 10, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn đạt giá trị 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ước 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ.
Đồng thời, theo VFA, tính đến ngày 1-11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có giá cao nhất. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 653 USD/tấn trong khi Thái Lan là 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn.
Thị trường lúa, gạo đang trải nhiều biến động và trong suốt thời gian qua giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Giá lúa, gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng, từ đó dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, cho biết tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay đã dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ quá nên hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. Đối với những trường hợp là doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.
"Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên thì họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam dạng cao ở mức kỷ lục. Cần nói thêm, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác" - Phó Chủ tịch VFA thông tin.
Giá lúa tại ĐBSCL tăng mạnh, nông dân thu lợi nhuận cao. Ảnh: Ngọc Trinh
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng "giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế", vì khi giá cao, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (Đài Thơm 8, OM 5451,...) vào tay doanh nghiệp Thái Lan vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh so với giá gạo thơm Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông, khuyến nghị: "Việc lập kỷ lục hay lập đỉnh (giá gạo- PV) đừng quá hài lòng trong ngắn hạn, bức tranh thời gian tới khác rất nhiều. Việc tăng giá quá cao mà không bán được hoặc mất thị trường thì cần nhìn nhận lại".
Nguồn: [Link nguồn]
Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang tăng mạnh, lên mức 653 USD/tấn, cao nhất 15 năm và đắt hơn gạo Thái Lan 93 USD/tấn. Theo dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt...