Giá gạo Việt 5 tuần tăng liên tiếp, vượt "ông lớn" Thái Lan, Ấn Độ

Sự kiện: Kinh Doanh

Tăng chất lượng gạo, đưa nhiều loại gạo phẩm cấp tốt vào cơ cấu xuất khẩu, những tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo ghi nhận nhiều tín hiệu vui.

Giá vượt Thái Lan, Ấn Độ

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có 5 tuần liên tiếp tăng vì nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn nhưng nguồn cung không còn nhiều, trong khi giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt giảm.

Giá gạo Việt 5 tuần tăng liên tiếp, vượt "ông lớn" Thái Lan, Ấn Độ - 1

Quý I.2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều khởi sắc (Ảnh: Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn).  Ảnh: K.B

Theo GS Võ Tòng Xuân, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo khởi sắc vì nhu cầu của Philippines và Malaysia đang tăng và nguồn gạo họ hướng đến là những loại gạo có phẩm cấp trung bình, không phải loại gạo thơm nên Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu. Do nhu cầu thị trường lớn nên việc chúng ta đẩy giá lên cũng là điều dễ hiểu.

Tuần trước, giá lúa, gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm đều tăng khá mạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao tại cảng Sài Gòn tăng lên 445-450 USD/tấn (giá FOB), tăng 7-10 USD so với tuần trước nữa. 

Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ lại có xu hướng giảm. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần qua giảm 8 USD về 409-413 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Bangkok cũng giảm về 440-445 USD/tấn, giảm 5-9 USD so với tuần trước nữa.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Philippines quyết định bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp tư nhân mua nhiều gạo hơn để đảm bảo có đủ nguồn cung cho thị trường trong nước cũng được đánh giá sẽ tác động lớn đến thị trường lúa gạo khu vực trong thời gian tới.

Mới đây Philippines đã thất bại trong việc đàm phán mua 250.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan vì giá chào bán lần đầu cao hơn nhiều giá tham chiếu mà Philippines đưa ra. Theo đó, Thái Lan chào 530 USD/tấn cho 120.000 tấn gạo 25% tấm; Việt Nam chào 530 USD/tấn cho 50.000 tấn gạo 15% tấm và 521 USD/tấn cho 100.000 tấn gạo 25% tấm. Diễn biến của phiên đấu giá này cho thấy, gạo Việt Nam ít nhiều đã được nâng tầm so với gạo Thái Lan.

Theo thống kê, xuất khẩu gạo quý I năm nay biến động liên tục, sau khi tăng mạnh trong tháng đầu năm thì tháng 2 sụt giảm. Tuy nhiên sang tháng 3 lại tăng đến 93,9% so với tháng trước, đạt 658.818 tấn, kim ngạch cũng tăng trên 100%, đạt 338,44 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu tháng 3 tăng 3,3%, đạt 513,7 USD/tấn.

Tính chung cả quý I.2018, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,49 triệu tấn, kim ngạch đạt 744,96 triệu USD, tăng 31,8%. Giá xuất khẩu gạo trung bình quý I đạt 501 USD/tấn, tăng 14,2% so với quý I.2017.

Gạo chất lượng cao chiếm 81%

Giá gạo Việt 5 tuần tăng liên tiếp, vượt "ông lớn" Thái Lan, Ấn Độ - 2

Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta liên tục tăng trưởng và hiện cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn. Ảnh: I.T

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, ngành lúa gạo của Việt Nam đang có những chuyển biến khá lạc quan, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta liên tục tăng trưởng và hiện cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, việc chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu là điều bắt buộc để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới. Trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng khẳng định: Giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam được nâng cao. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường như IR 50404, nhưng nay chủ yếu là gạo nếp, gạo thơm, Jasmine… Năm 2017, gạo chất lượng cao chiếm đến 81% trong cơ cấu xuất khẩu.

“Về lâu dài, quá trình phát triển của cây lúa cũng cần phải được quy hoạch thành vùng, chứ không phải nơi nào cũng ưu tiên cho cây lúa. Theo tôi, chỉ dành đất để trồng lúa ở những nơi có điều kiện phù hợp như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, một phần Kiên Giang… Còn các tỉnh ven biển thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc đầu tư nuôi tôm” - GS Võ Tòng Xuân nói.

Dự báo thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới giảm, trong khi nhu cầu tăng. Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, năm 2018 Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, tăng 700.000 tấn so với năm qua. Để giữ vững giá trị gạo Việt Nam xuất khẩu, cơ cấu gạo chất lượng cao vẫn chiếm chủ yếu, gạo thường không quá 20% trong xuất khẩu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thơ (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN