Giá gạo tăng: Vừa tiếc vừa lo

Thông tin Việt Nam vừa trúng thầu cung ứng 500.000 tấn gạo loại 25% tấm cho Philippines khiến giá lúa gạo trong nước tăng cao. Tuy nhiên, người trồng lúa lại tiếc rẻ vì không còn hàng để bán.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.600-5.700 đồng/kg, tăng 250 đồng/kg so với tuần trước; giá lúa dài khoảng từ 5.800-5.900 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm giao dịch trong khoảng 7.600-7.700 đồng/kg tùy từng địa phương; còn gạo 25% tấm giá 7.300-7.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Giá tăng, sức mua giảm

Tại TP HCM, hầu hết các loại gạo đã tăng giá từ 700 đồng đến hơn 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 9. Chỉ vào bảng niêm yết giá gạo vừa được thay mới vài con số, chủ một tiệm gạo ở gần chợ Nhị Thiên Đường (quận 8) cho biết giá gạo tăng lai rai, chị vừa điều chỉnh giá tăng hơn 1.000 đồng/kg nhưng khó bán, sắp tới lấy hàng mới sẽ tăng tiếp. Tại đây, giá bán gạo tài nguyên 14.000 đồng/kg, lài sữa Việt Nam 15.500 đồng/kg, lài sữa Campuchia 20.000 đồng/kg, thơm lài 19.500 đồng/kg, gạo ngang 5% tấm 11.000 đồng/kg, gạo nàng hoa 16.500 đồng/kg.

Giá gạo tăng: Vừa tiếc vừa lo - 1

Tại TP HCM, hầu hết các loại gạo đã tăng giá từ 700 đồng đến hơn 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 9 Ảnh: Hồng Thúy

Theo anh Hùng, chủ kho gạo Thanh Hùng ở quận Gò Vấp, thị trường không thiếu gạo, giá cũng không tăng đột biến mà nhích dần lên. Nguyên nhân tăng giá là do ảnh hưởng bão lụt ở miền Trung, xuất khẩu gạo thời gian qua tăng lượng và tăng giá. Ngoài ra, hiện đang là thời điểm giáp vụ, khoảng hơn 1 tháng nữa mới có gạo mới. Chị Hóa, chủ 1 vựa gạo (bán sỉ và lẻ) ở chợ Trần Chánh Chiếu, quận 5, cũng cho biết hầu hết các loại gạo đều tăng giá. Đặc biệt, gạo Đài Loan tăng đến hơn 2.000 đồng/kg, lên 20.000 đồng/kg nhưng chất lượng không cao. Đầu năm 2013, giá bán gạo Đài Loan và các giống gạo trồng ở Campuchia như lài sữa, thơm lài... khoảng 10.000-11.000 đồng/kg, theo thông lệ mọi năm chỉ tăng lên khoảng 14.000-15.000 đồng/kg nhưng nay đã lên đến 20.000 đồng/kg. “Giá bán tăng nhưng sức mua giảm khoảng 20% so với trước. Không hiểu sao khách giảm mua gạo ngon nhưng cũng không tăng mua gạo bình dân” - chị Hóa nói.

Không có hiện tượng ém hàng

Trong những ngày qua, giá bán lẻ các loại gạo tại TP Cần Thơ cũng tăng đều ở mức từ 500-1.500 đồng/kg. Trong đó, gạo thơm Đài Loan và gạo thơm Mỹ có mức tăng cao nhất, tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg. Các loại gạo khác như nàng hương, sông Hậu, trắng tép… tăng dao động ở mức trên dưới 500 đồng/kg. Theo chị Ngọc Mai, chủ một sạp gạo ở chợ Xuân Khánh (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều), những ngày qua, dù giá gạo tăng nhưng sức mua của thị trường vẫn bình thường. Tương tự, ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ cửa hàng gạo tại chợ rau quả - nông sản (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), cho biết việc buôn bán gạo tại chợ vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng thấy giá gạo tăng là bắt đầu ém hàng chờ giá tăng tiếp để thu lợi. “Giá lúa gạo tăng nhưng nông dân không còn hàng để bán. Tôi vừa thu hoạch 10 ha lúa và đã bán sạch. Hiện chỉ còn một số xã ở huyện Hồng Ngự là còn lúa đông xuân để bán nhưng sản lượng rất ít” - ông Chín Lý, ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tiếc rẻ.

Theo ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty CP Gentraco (TP Cần Thơ), việc trúng gói thầu cung ứng gạo cho Philippines là nguyên nhân khiến giá lúa gạo trong nước tăng. Hiện các doanh nghiệp không còn hàng trong kho nên đẩy mạnh việc thu mua trong dân nhưng vẫn khan hàng.

Thiếu gạo xuất khẩu?

Ngay trong sáng 3-12, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải nhóm họp bàn giải pháp cân đối để có đủ nguồn gạo cung ứng cho đơn hàng 500.000 tấn vừa trúng thầu tại Philippines. Với tình hình hiện tại, VFA nhận định việc phải giao một khối lượng gạo khá lớn trong vòng 1 tháng là thách thức đối với doanh nghiệp. Một nguồn tin cho biết đến đầu tháng 12 này, lượng gạo tồn kho còn khá thấp và rất có thể đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam còn rất ít gạo gối đầu cho năm sau. Nhận định này cũng phù hợp với tình hình thực tế thị trường đang diễn ra.

Về nguyên nhân lúa gạo nội địa đột ngột thiếu hụt so với nhu cầu xuất khẩu, dù không có công bố chính thức nhưng theo nhận định có thể do việc bán gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tăng đột biến, hơn cả triệu tấn so với năm ngoái - một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Đ.Hoàng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Ca Linh - Nhật Thanh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN