Giá dổi 600.000 đồng/kg, nhiều người hi vọng đổi đời
Hiện nay, mỗi kg hạt dổi khô được bán với giá từ 450.000-600.000 đồng/kg. Nhiều người dân ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang kỳ vọng có thể cải thiện sinh kế, làm giàu từ loài cây đa giá trị này.
Xã Đắk Drô cách trung tâm huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông khoảng 2km. Là một xã thuần nông nên trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm đến 67%. Cà phê, tiêu, điều là những cây trồng tạo nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây. Thế nhưng, nguồn thu nhập ấy hiện đang bị đe doạ bởi tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và sương muối diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Theo người dân xã Đắk Drô, khoảng vài năm trở lại đây, cứ vào thời điểm cây điều ra hoa, từ tháng 10 đến tháng 12, thì sương muối lại xuất hiện dày đặc khiến hoa bị thối, hỏng, khó đậu trái. Hay vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4, giai đoạn này cây cà phê đang ra hoa cần tưới nhiều nước thì hạn hán lại kéo dài.
Những yếu tố trên đã khiến sản lượng, năng suất cà phê, tiêu, điều liên tục sụt giảm. Cùng với đó, giá cả thị trường của cà phê, tiêu, điều luôn biến động, có lúc xuống thấp, thậm chí không bán được.
Trước thực trạng trên, một số người dân đã tìm hiểu và chuyển sang trồng xen canh thêm cây dổi - loài cây được đánh giá là nhiều tiềm năng và rất thích hợp với khí hậu, đất đai ở Krông Nô.
Lãnh đạo huyện Krông Nô và đại diện Tổ chức ActionAid thăm mô hình trồng cây dổi tại xã Đắk Drô. Ảnh: AH
Ông Nguyễn Xuân Hải (thôn Gia Cách, xã Đắk Drô), cho hay bắt đầu trồng dổi xen trong các vườn cà phê, tiêu được khoảng ba năm và đến nay đã cho thu bói, bắt đầu có thu nhập.
“Thu hoạch lai rai có thời điểm bán được 450.000-600.000 đồng/kg hạt khô. Vì có thể trồng xen canh nên không ảnh hưởng gì đến các loại cây trồng khác đang canh tác. Dổi cũng thuộc loại cây rừng nên không kén đất, nếu trồng trên đất đỏ bazan thì không cần phải bón phân, chỉ cần tưới nước nên tính ra hiệu quả kinh tế rất cao.” - ông Hải nói.
Trái dổi tươi khi vừa thu hoạch. Ảnh: AH
Bà Lê Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Drô cũng cho biết, qua tìm hiểu từ các mô hình trồng dổi ở các địa phương khác có khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng, đất đai tương tự ở Krông Nô và từ thực tế tại các mô hình của người dân trong xã trồng tự phát trước đó cho thấy việc trồng dổi có tính khả thi cao.
Do vậy từ tháng 8-2022, với sự hỗ trợ từ Tổ chức ActionAid và đối tác AFV (Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam), 3.300 cây dổi đã được đưa về trồng tại 21 hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã Đắk Drô. Đến nay, số cây này vẫn đang sinh trưởng tốt.
Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô chia sẻ, trong thực tế phát triển của huyện không khuyến khích bà con trồng thuần rừng. Vì đối với các hộ còn khó khăn về kinh tế, nếu trồng thuần rừng thì thời gian ban đầu bà con không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Do vậy huyện lựa chọn mô hình nông lâm kết hợp để lấy ngắn nuôi dài, phát triển kinh tế.
Hiện mỗi kg hạt dổi khô được bán với giá từ 450.000-600.000 đồng/kg. Ảnh: AH
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cũng cho biết, việc lựa chọn cây dổi để phát triển vì đây là loài cây đa giá trị và có sức chống chịu tốt với hạn hán, sương muối, là loại hình thiên tai chủ yếu ở khu vực này. Dổi là cây gỗ nhưng khi ra trái, hạt dổi lại được dùng làm gia vị cho rất nhiều món ăn khác nhau. Không chỉ vậy, theo tính toán của lãnh đạo huyện Krông Nô, việc trồng dổi không dừng ở mức chỉ thu hoạch bán hạt thô, mà về lâu dài sẽ sản xuất cả tinh dầu, cùng đó là bán tín chỉ carbon, cuối cùng là khai thác gỗ.
“Krông Nô có rất nhiều sản phẩm, thế nhưng khi cần số lượng lớn một sản phẩm nào đó thì lại không có, mà muốn kết nối với doanh nghiệp thì cần sản lượng lớn. Do vậy các hộ phải liên kết lại với nhau, lập tổ hợp tác để có sản lượng lớn giúp thuận lợi trong tiêu thụ, cũng thuận lợi trong chia sẻ kinh nghiệm, cùng phát triển. Việc triển khai dự án ban đầu có thể còn nhiều khó khăn, nhưng tôi mong bà con chịu khó” - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Nguyễn Xuân Danh nhấn mạnh.
Bà Mai Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Phát triển chương trình thuộc Tổ chức ActionAid, cho biết bên cạnh xã Đắk Drô, đơn vị phối hợp cùng đối tác AFV còn tiến hành hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc bốn xã khác trên địa bàn huyện Krông Nô với tổng diện tích là 26,4 ha. Dù mới triển khai nhưng mô hình trồng cây dổi ghép xen canh cây công nghiệp truyền thống đang được kỳ vọng rất lớn.
Dự kiến một tháng nữa, lô hàng khoai lang đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Điều này mở ra lối thoát cho nông dân trồng khoai lang vốn đã...
Nguồn: [Link nguồn]