Giá điện tăng: Nhiều doanh nghiệp sẽ chết?

Bắt đầu từ hôm nay, 22/12, giá điện bình quân sẽ tăng thêm 5%, từ 1.369 đồng/kWh lên đến 1.437 đồng/kWh. Đây là lần đầu tiên điều chỉnh giá điện sau khi lãnh đạo Bộ Công Thương tuyên bố “giá điện chỉ có tăng chứ không thể giảm” tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này hồi đầu tháng 12.

Tăng trung bình 68 đồng/kWh

Cụ thể, giá điện mới được tính như sau: Bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng mỗi kWh. Đối với hộ còn lại, giá điện sẽ tăng 66 đồng mỗi kWh, từ 1.284 đồng lên 1.350 đồng áp dụng cho 100kWh đầu tiên. Từ 101-150kWh sẽ tăng 88 đồng, lên 1.545 đồng/kWh. Còn tiêu thụ từ 151-200kWh sẽ tăng 104 đồng, lên 1.947 đồng/kWh; từ 200-400kWh, tăng 115 đồng/kWh.

Giá bán lẻ điện cho sản xuất từ 110kV trở lên trong các giờ cao điểm, bình thường và thấp có giá từ 754-2.177 đồng mỗi kWh. Đối với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá 783-2.263 đồng/kWh.

EVN cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.

Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh giá điện lần này không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Ví như các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đồng/kWh). Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100kWh/tháng tăng chi 6.600 đồng/tháng; sử dụng 150kWh/tháng tăng chi 11.000 đồng/tháng; sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 16.200 đồng/tháng; sử dụng 300kWh/tháng tăng chi 27.000 đồng/tháng; sử dụng 400kWh/tháng tăng chi 38.200 đồng/tháng.

Giá điện tăng: Nhiều doanh nghiệp sẽ chết? - 1

Anh Trần Tuấn Vũ ở Đỗ Hành, Hà Nội cho biết gia đình anh mỗi tháng dùng hết gần 600.000 đồng tiền điện. Nay giá điện lại tăng, anh Vũ quyết định cất bếp từ đi, không sử dụng nữa. “Tiết kiệm đồng nào, hay đồng đấy”, anh Vũ tâm sự

Tác động gián tiếp không nhỏ

Theo một chuyên gia kinh tế, Bộ Công Thương và EVN đã rất “tỉnh” khi chọn thời điểm cuối tuần, cuối năm để tăng giá điện, nhằm hạn chế tác động xấu của việc làm này. Quyết định tăng giá từ thời điểm này, khi những nhân tố tác động đến CPI tháng 12 nói riêng và năm 2012 nói chung đã chốt lại, khiến quyết định này ít tác động đến con số thống kê trong năm nay. Tác động trực tiếp của giá điện tới CPI sẽ được tính từ tháng 1-2013. “Tuy nhiên, tác động gián tiếp đến giá cả hàng hóa có thể thấy ngay. Chỉ vài ngày nữa, sẽ có nhiều mặt hàng lên giá với lý do tăng giá điện. Cộng thêm cả tác động của thời điểm Tết sắp đến, giá hàng hóa sẽ tăng cao” - chuyên gia này cho hay.

Không tỏ ra bất ngờ trước tin tăng giá điện, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi Chính phủ đang nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân về thuế và phí thì việc tăng giá điện đã đi ngược lại chính sách. Nhiều doanh nghiệp có thể “chết hẳn” thay vì “chết lâm sàng”. Người dân thêm gánh nặng chi tiêu. Theo ông Phong, EVN cần chứng minh thuyết phục rằng việc tăng giá điện này là hợp lý, với các con số cụ thể. Năm 2012, ngành điện có lãi, tình hình thủy văn thuận lợi nên thủy điện giá rẻ được khai thác nhiều. Nếu việc tăng giá điện lần này nằm trong lộ trình để bù lỗ cho nhiệt điện chạy than, dầu giá cao cũng như lỗ do tỷ giá thì EVN phải có tính toán thời điểm hết lỗ và dừng lại.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, khi giá điện đang trong lộ trình thực hiện theo cơ chế thị trường, tương tự như giá xăng dầu trước đây thì người dân nên làm quen với việc điều chỉnh giá. Nhưng điều mà ngành điện có thể làm vì người dân là có điều chỉnh tăng thì có điều chỉnh giảm giá khi điều kiện cho phép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Hằng (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN