Giá điện tăng, nhiều DN 'chết lâm sàng'

Nếu dự thảo do Bộ Công Thương xây dựng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thông qua, giá điện cho sản xuất tùy thời điểm sẽ tăng mạnh từ 2-7%. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá điện sẽ khiến cho sản xuất kinh doanh đình đốn, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh “chết lâm sàng”.

Giá điện sản xuất tăng mạnh

Như Tiền Phong đã đưa tin, hiện, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới và đề xuất thực hiện từ 1/7 tới. Nếu so sánh với biểu giá bán lẻ hiện hành (từ năm 2011), biểu giá mới sẽ tăng giá bán điện bình quân, dẫn đến tăng giá bán cho khu vực sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, theo biểu giá điện năm 2011, giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất (từ 22kV đến dưới 110kV) so với biểu giá mới sẽ tăng từ 2-7%. Với đơn vị sử dụng điện giờ bình thường và giờ cao điểm sẽ phải chịu mức tăng 2%, giá điện giờ thấp điểm tăng 6%. Với cấp điện áp từ 110kV trở lên, giá điện giờ cao điểm và bình thường giữ nguyên, riêng giờ thấp điểm tăng 5%.

Theo biểu giá mới, cấp điện áp từ dưới 6kV có mức tăng mạnh nhất. Giá điện giờ bình thường và giờ cao điểm sẽ cùng tăng 4%, nhưng giá điện giờ thấp điểm tăng tới 7%. Đối với nhóm đối tượng kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, tùy cấp điện áp và giờ sử dụng, giá bán điện sẽ giảm từ 3-8%.

Giá điện tăng, nhiều DN 'chết lâm sàng' - 1

Nếu biểu giá bán lẻ điện được thông qua, giá điện sản xuất sẽ tăng mạnh từ 2-7%. Ảnh: Phong Cầm.

Một điểm đáng lưu ý trong biểu giá điện mới là Bộ Công Thương đã tách riêng ngành xi măng, sắt, thép để quy định biểu giá riêng (không cho hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác như hiện hành). Giá điện bán cho các nhà sản xuất tiêu thụ rất nhiều điện này có mức khá cao, từ 59-187% giá bán lẻ điện bình quân, tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện vào lúc bình thường, thấp hay cao điểm.

Cân nhắc để tránh cú sốc về giá

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, với quy định hiện hành, khi có biến động giá đến 5%, EVN sẽ được phép điều chỉnh giá điện. Nếu các yếu tố như tỷ lệ huy động nhiệt điện than, điện chạy dầu cao diễn ra cùng thời điểm với việc điều chỉnh giá than bán cho ngành điện, yếu tố đầu vào chắc chắn sẽ vượt trên 5%, lúc đó EVN hoàn toàn được phép tăng giá điện.

“Tuy nhiên, việc tăng giá điện cần phải có lộ trình và cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tạo ra cú sốc về giá”, ông Phong nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc Bộ Công Thương đề xuất áp dụng biểu giá bán lẻ điện từ 1/7 tới, cộng với việc giá than bán cho điện đã tăng, các yếu tố về nhiên liệu đầu vào, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỷ giá..., chắc chắn giá điện sẽ sớm được điều chỉnh tăng.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN vẫn chưa tính toán cụ thể việc điều chỉnh giá điện sau khi giá than tăng.

Ông Tri cho rằng, giá điện không chỉ căn cứ vào giá than mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: giá nhiên liệu đầu vào, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỷ giá... “Sau khi EVN tính toán cụ thể, nếu thấy cần điều chỉnh giá bán điện sẽ báo cáo cụ thể với Bộ Công Thương”, ông Tri nói.

Mới đây, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực đang yêu cầu EVN tính toán, cân đối lại chi phí phát sinh sau khi giá than bán cho điện tăng.

Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của giá than đối với giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành tháng vừa qua và căn cứ theo Quyết định 24 của Thủ tướng, lúc đó mới có lộ trình, kế hoạch điều chỉnh giá điện. “Bộ đang đợi báo cáo từ EVN. Khi có báo cáo, Bộ sẽ xem xét cụ thể về việc tăng giá điện”, ông Cường nói.

Doanh nghiệp sống dở, chết dở

Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia kinh tế cho biết, việc điện tăng giá không chỉ tác động đến đời sống người dân mà càng khiến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Tổng Giám đốc một Cty thép tại khu vực phía Bắc cho biết, ngành thép hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

"Hiện, khả năng chi trả của người dân rất thấp, việc giữ ổn định giá điện là cần thiết. Còn nếu phải tăng giá, cần công khai minh bạch các yếu tố để việc điều chỉnh giá điện không gây sốc cho xã hội.", Chuyên gia kinh tếNguyễn Minh Phong nói.

Trong khi giá dầu Madut (FO) dùng để sản xuất thép tăng lên 807 đồng/kg chưa được giảm, nay Bộ Công Thương lại tách riêng sắt thép để quy định biểu giá riêng, không được hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác với mức giá từ 59-187% giá bán lẻ bình quân tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện (riêng giờ cao điểm sẽ áp mức khá cao từ 160-187%), chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp thép lâm vào tình cảnh sống dở, chết dở.

Theo vị tổng giám đốc này, hiện, giá điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 1%. “Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600 kWh điện. Do đó, giá điện tăng bao nhiêu, giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu. Chỉ cần giá điện tăng thêm 2% là doanh nghiệp đã chết chắc chứ chưa nói tăng cao như biểu giá mới”, vị tổng giám đốc nói.

Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, điện cho sản xuất xi măng có giá bình quân 2.300 đồng/kWh. Một tấn xi măng dùng khoảng 100 kWh điện nên tính ra hết khoảng 230 nghìn đồng/tấn.

Nếu điện tăng thêm 5%, một tấn xi măng tăng thêm chi phí khoảng 13-15 nghìn đồng/tấn. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp xi măng bởi nhu cầu xi măng đang giảm nên không thể tăng giá bán.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều chỉnh giá điện có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ. Việc tăng giá điện cho khu vực sản xuất là cần thiết, nhưng hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là thép-xi măng hàng tồn kho đang rất lớn, nên điều chỉnh giá điện càng khiến sản xuất bị đình trệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BẢO ANH (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN