Giá điện tăng, chủ nhà trọ "té nước theo mưa"
Kể cả khi sử dụng tối đa mức điện, giá điện của người thuê nhà cũng chỉ là 3.302/kWh. Tuy nhiên, đấy chỉ là quy định, thực tế thì giá điện tại các phòng trọ hiện tại là khoảng 4.000/kWh.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Ngày 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), các hộ sử dụng từ 200-300kWh/tháng sẽ làm tăng thêm chi phí điện từ 32.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 300-400kWh/tháng sẽ làm các hộ tăng thêm chi phí tiền điện khoảng 47.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 400kWh/tháng trở lên sẽ làm mức tăng chi trả khoảng 62.000 đồng/tháng. Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Tuy nhiên, với một nhóm người là sinh viên, người lao động đi thuê nhà lại là một ảnh hưởng lớn. Khi đến một dãy nhà trọ cho người lao động tại Phú Diễn, người dân cho biết ban đầu giá điện là 3.500/kWh. Nhưng hiện tại chủ nhà đã nâng lên mức 4.000/kWh. Như vậy, mức điện này tăng khoảng 15% so với ban đầu.
Cận cảnh khu nhà trọ tại Phúc Diễn (Ảnh: Thanh Loan).
Là một người thuê nhà tại dãy trọ trên, anh Điệp (thợ sửa máy vi tính) chia sẻ: “Tiền thuê nhà ở đây là 1,2 triệu/tháng. Những tháng cao điểm vào mua hè, cả tiền điện tiền nước còn cao hơn cả giá thuê nhà. Ở đây nóng, không bật điều hòa thì không chịu được”.
Gần đây, trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đưa tin về việc chủ nhà tăng giá điện ngay khi có thông báo, đáng chú ý mức tăng giá lên đến 5.000/kWh khiến nhiều người không khỏi bức xúc và lo lắng.
Nội dung tin nhắn thông báo tăng giá điện (Ảnh: NVCC)
Trao đổi với chủ nhân của nội dung trên, Ngân cho biết: "Sau khi có ý kiến thắc mắc về giá điện cũng như chia sẻ nội dung trên mạng xã hội, tôi đã bị chủ nhà đuổi đi ngay lập tức. Hiện tại tôi cũng đã xóa video và không muốn tranh cãi nhiều về vấn đề này".
Đối với sinh viên và người có mức thu nhập thấp, thuê nhà là lựa chọn duy nhất để giải quyết chỗ ở tại những thành phố đắt đỏ. Theo đó, việc tăng giá điện đã tạo nên những áp lực tài chính đè nặng, ngoài giá điện tăng, họ còn phải lo lắng về những chi phí nhà ở, ăn uống và sinh hoạt…
Giá cả leo thang, tuy nhiên mức lương lại không tăng hoặc có tăng, nhưng không đáng kể. Anh Hưng (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ: "Giờ kinh tế khó khăn, công ty nào cũng cắt giảm nhân sự, tôi vẫn có công việc để đi làm cũng là may mắn rồi, nói gì đến việc tăng lương".
Vốn là sinh viên ở trọ tại Hà Nội, Phương Nhung cho biết hàng tháng được bố mẹ hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng tiền sinh hoạt, số tiền còn lại thì Nhung đi làm thêm để chi trả. Nhung ở cùng 1 người bạn khác trong căn phòng rộng 20m2, số tiền hàng tháng phải chi trả cho tiền nhà là khoảng 2,5-2,7 triệu đồng.
Số tiền hàng tháng sinh viên phải chi trả cho tiền nhà là khoảng 2,5-2,7 triệu đồng (Ảnh: Thanh Loan).
"Ngoài việc đi học thì mình cũng đi dạy gia sư, làm pha chế tại quán cà phê. Ban đầu chủ nhà có thông báo tiền điện là 3.500 đồng/kWh, sau thì thông báo lên 4.000 đồng/kWh. Đành chịu thôi, mình cũng phải chắt bóp từng đồng chi tiêu mới sống được ở đất Hà Nội. Giá điện cao thì cũng lo lắng nhưng cũng không biết làm gì bây giờ, vì tầm giá đó cũng là giá chung rồi", Nhung tâm sự.
Chủ nhà trục lợi từ tiền điện, tiền nước?
Theo Quyết định 2699 ngày 11/10/2024 có quy định mức tính giá đối với sinh viên và người lao động thuê nhà để ở:
Trường hợp thứ nhất, thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (2.271/kWh) từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Trường hợp thứ 2, chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Biểu giá bán lẻ điện (Ảnh: EVN).
Như vậy, kể cả khi sử dụng tối đa mức điện, giá điện của người thuê nhà cũng chỉ là 3.302/kWh. Tuy nhiên, đấy chỉ là quy định, thực tế thì giá điện tại các phòng trọ hiện tại là khoảng 4.000/kWh.
Khảo sát của Người Đưa Tin, trên những hội nhóm cho thuê trọ, giá điện hiện tại đều đang ở mức 3.800-4.500/kWh. Vào vai người đi thuê nhà, với một căn phòng khoảng 30m2, tiền nhà là 4,5 triệu đồng. Ngoài giá điện, giá dịch vụ còn đi kèm những chi phí khác như nước, máy giặt, vệ sinh, thang máy…
Giá dịch vụ tại các nhà trọ ở Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hoàng Thanh Bình cho biết trong trường hợp này, người cho thuê hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính.
Tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 134/2023 của Chính phủ, đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 31/01/2022 nêu rõ: “Người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.”
Ngoài ra, chủ nhà còn phải hoàn lại toàn bộ số tiền chênh lệch cho người thuê nhà.
Theo EVN, nếu phát hiện các trường hợp chủ nhà trọ tại Hà Nội thu tiền điện sai quy định, sinh viên, người lao động nên liên hệ đến Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội qua số điện thoại 19001288 hỗ trợ 24/7 và của Sở Công Thương là 024.22155571 và 024.22155527.
Sau khi nhận được phản ánh, cơ quan điện lực sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm của chủ nhà trọ để làm cơ sở xử phạt theo quy định.
Mỗi kWh điện có giá 2.103,11 đồng áp dụng từ hôm nay, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nguồn: [Link nguồn]