Giá điện quá tù mù!

Sốc với tiền điện tăng chóng mặt so với thu nhập của mình, người dân chỉ còn biết cam chịu vì không biết kêu với ai

Người sử dụng điện có thể đặt câu hỏi tại sao năm 2012, ngành điện lãi 4.000 tỉ đồng mà lại phải tăng giá điện 5%? Từ ngày 16-3, giá điện mới được áp dụng tăng 7,5% nhưng nhiều gia đình đã phải trả tiền điện tăng gấp 2-3 lần do cách tính lũy tiến của ngành điện theo hướng lợi cho người nghèo thì ít nhưng lợi cho ngành điện lại nhiều.

Độc quyền sinh tùy tiện

Kêu ca của người tiêu dùng, giải thích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bên nào cũng có lý. Tuy nhiên, có điều thấy rõ là với mô hình doanh nghiệp (DN) nhà nước nói chung thì cứ mập mờ vai trò kinh doanh (tính tự chủ của DN khi có vẻ đang thắng thế và chi tiêu quá tay) của DN với vai trò xã hội (biện minh khi làm ăn thua lỗ). Một số tập đoàn, như EVN, còn độc quyền thì còn sự tùy tiện và khi không có cạnh tranh thì khó nói tới hiệu quả.

Giá điện quá tù mù! - 1

Cách tính giá điện cần rõ ràng hơn để người dân dễ kiểm tra Ảnh: hoàng Triều

Cách hạch toán của EVN còn nhiều bất cập, như dùng lãi của năm này để bù lỗ cho những năm trước đó. Hay khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành cũng đưa vào giá thành. Nếu đi sâu phân tích, đối chiếu biểu đồ so sánh giữa tăng trưởng điện với tăng trường kinh tế sẽ thấy trớ trêu vì chẳng có tương quan với nhau.

Giá điện không minh bạch vì không ai biết tường tận hạch toán của từng khâu, từng loại... Ba khâu chính để điện đến người mua là sản xuất, truyền tải và phân phối. Giá thành EVN đề cập chắc là giá cuối cùng. Họ tính thất thoát điện năng trong khâu truyền tải vào giá thành là đúng nhưng nếu thất thoát do quản lý kém của ngành thì không thể bắt toàn dân phải chịu.

Sản xuất điện thì phải hạch toán từng loại và phải minh bạch theo từng quý, không nên chỉ tính theo năm. Giống như mua tài sản lưu động nhưng giá trị cao thì theo nguyên tắc hạch toán, phải phân bổ dần qua các năm như khấu hao tài sản cố định. Lỗ của thời gian trước cũng vậy, khi có lãi thì phải cắt lỗ dần qua các năm chứ không thể tăng giá điện ào ào để bù như cách EVN vừa làm.

Cần kiểm soát giá sản phẩm độc quyền

Chính phủ cần kiểm soát giá sản phẩm mang tính độc quyền này bằng các chính sách vi mô mang tính hành chính. Đây là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép DN “phù phép” làm giàu, đồng thời cũng không cản trở sự vận hành hữu hiệu của DN và nền kinh tế.

Gọi là chính sách vì nó đặt ra khung pháp lý để việc điều chỉnh giá tự vận hành mà không cần đến sự chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp của nhà nước. Để việc điều chỉnh giá theo thị trường, các nước phải dựa vào một ủy ban chuyên gia họp định kỳ, quyết định giá bằng việc áp dụng công thức dựa trên cơ sở kỹ thuật.

Trên công luận, các chuyên gia, người dân góp ý, hiến kế điều hành giá điện đã nhiều. Chính phủ cùng EVN cần nghiên cứu, tiếp thu để đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Giá điện thấp thì không khuyến khích đầu tư, dẫn đến thiếu điện. Ngược lại, giá cao thì lại quá sức chịu đựng của người dân và ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực khác vì điện là hàng hóa đặc biệt.

EVN thiếu động lực đổi mới

Tỉ lệ thất thoát cao, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, độc quyền đã khiến ngành điện thiếu động lực tự đổi mới là bức tranh EVN hiện nay. Cải tổ ngành điện là phải tách các DN phát điện ra để cạnh tranh với nhau. Điện lực địa phương trở thành những DN bán lẻ độc lập, có thể thuộc 2-3 tổng công ty, phân phối theo vùng địa lý nhưng không theo địa phận hành chính để những DN này cạnh tranh nhau, có thể bán điện sang địa phương khác...

Chỉ khi nào các doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả quản trị thì mới có thể giảm giá của những sản phẩm đang được độc quyền phân phối.

Phải giảm chi phí sản xuất

Nếu tính theo bậc thang đã được Chính phủ phê duyệt như hiện nay thì càng dùng nhiều điện càng phải trả tiền nhiều là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, giá điện mà người dân đang phải trả gánh quá nhiều chi phí không đáng có. Những chi phí vô lý này hoàn toàn có thể loại bỏ được nhưng ngành điện lại chậm triển khai.

Đơn cử, hiện nay, lao động thủ công trong ngành điện còn quá nhiều. Có đến hơn 40.000 người đi ghi số điện là con số vô cùng lớn, làm tăng chi phí quá nhiều cho ngành điện và tất nhiên sẽ được tính vào giá thành bán điện cho người dân. Trước đây, có dự án của World Bank thí điểm tự động hóa các công tơ điện nhằm xóa bỏ tình trạng công nhân đọc số như hiện nay nhưng không hiểu sao ngành điện không triển khai phương án này.

Ngoài ra, cách quản lý trong ngành điện cũng chưa hiệu quả, dẫn đến thua lỗ và nhiều thời điểm đã phải tăng giá điện để bù vào. Đến nay, nhiều thông số của ngành điện như phải tốn bao nhiêu than để làm ra 1 KWh điện hay tổn thất ở từng khu vực là bao nhiêu... vẫn hầu như không kiểm soát được. Cần phải có bộ máy lãnh đạo đủ năng lực và Chính phủ phải kiên quyết tái cơ cấu EVN để ép họ phải thay đổi, không được trì trệ... thì giá điện mới giảm được.

Ông Nguyễn Bá Vinh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả việt nam

Biểu giá cần dễ hiểu hơn

Mấy ngày qua, báo chí đăng tải một số ý kiến về việc sử dụng biểu giá điện lũy tiến là phi thị trường bởi hàng hóa dùng càng nhiều thì càng phải rẻ chứ không thể càng đắt như giá điện. Quan điểm như thế là chưa đúng bởi điện là hàng hóa cực kỳ đặc biệt với cách thức sản xuất và mua bán không hề giống bất cứ sản phẩm nào khác.

Có điều, biểu giá điện với nhiều bậc thang chia nhỏ là quá khó hiểu và khó tính toán đối với người dân. Trong chi tiêu hằng tháng, người dân sẽ so sánh mức sử dụng điện tháng sau so với tháng trước và nếu thấy tăng giá quá nhiều thì họ có quyền thắc mắc.

Vì vậy, ngành điện phải bảo đảm công tác ghi số điện là chính xác, có sự thừa nhận của bên bán và bên mua. Việc này cần sự có mặt của cả 2 bên khi chốt số điện hoặc phải đổi cách thức khác, như sử dụng hệ thống đo đếm điện tử và có thể truy xuất được.

Như vậy mới tránh tình trạng công nhân ngành điện muốn ghi bao nhiêu thì ghi, chỉ khi nào thấy bất thường, người dân mới thắc mắc. Bên cạnh đó, cách tính giá điện phải dễ hiểu. Với biểu giá rắc rối như hiện nay thì đa phần người dân thấy rất tù mù nên họ bức xúc khi phải trả tiền nhiều là đương nhiên.

GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Ngành điện cũng phải tiết kiệm

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng qua có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do vào mùa cao điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng mạnh.

Thứ hai, do bậc thang lũy tiến giá điện mới được áp dụng có mức giá ở một vài nhóm đối tượng cao hơn trước đây, nhất là những bậc thang cuối. Ngoài ra, có thể có nguyên nhân phụ và không phổ biến là độ chính xác của đồng hồ đo đếm và cách thức đọc ghi số điện nhưng việc này có thể kiểm tra được.

Thực tế, mức tăng giá điện 7,5% hồi tháng 3-2015 chỉ là mức tăng bình quân. Với những hộ sử dụng ít điện thì có thể tiền điện phải thanh toán tăng chưa đến 7,5% nhưng những hộ sử dụng nhiều điện thì mức tăng lớn hơn con số đó rất nhiều.

Cách tính này xuất phát từ mục tiêu hạn chế mạnh mức sử dụng điện của các hộ tiêu dùng để họ có ý thức tiết kiệm. Tuy nhiên, cần lưu ý là đồng thời với việc lấy lý do áp giá điện cao ở những bậc thang cuối để người dùng tiết kiệm điện thì bản thân ngành điện cũng phải tiết kiệm bằng cách giảm chi phí, hạn chế thất thoát... Những việc này đã được Chính phủ đề ra chỉ tiêu rất cụ thể nhưng cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa, nếu không đạt phải có chế tài.

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam

Phương Nhung ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Văn Trường (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN