Giá điện 2013: Cõng khoản lỗ hàng chục ngàn tỷ

Bộ Công Thương cho biết, năm 2011 EVN lỗ tổng cộng 5.297 tỷ đồng. Năm 2012 EVN có lãi khoảng 4.000 tỷ đồng. Từ nay đến 2015 giá điện sẽ được cộng thêm các khoản lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ vào giá của ngành điện.

Tiếp tục lỗ 5,2 nghìn tỷ đồng

Tại buổi họp công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN ngày 3-12, Bộ Công Thương cho biết, các số liệu kiểm tra nói trên của tổ công tác căn cứ trên báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN được kiểm toán độc lập.

Việc kiểm tra giá cũng tách bạch chi phí của các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài lĩnh vực điện với chi phí sản xuất kinh doanh điện trong tất cả các khâu cũng như tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.

Số liệu của đoàn công tác cho thấy, năm 2011 sản lượng điện đạt 94,6 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện là 9,2%, thấp hơn so với quy định của Bộ Công Thương về đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2009-2012.

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN là 121.356 tỷ đồng, tương đương với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 là 1.282 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2011 là 1.226 đồng/kWh, giá thành sản xuất kinh doanh điện cao hơn 56 đồng/kWh. Điều này đồng nghĩa, cứ 1 kWh điện bán đến người tiêu thụ cuối cùng, ngành điện bị lỗ 56 đồng.

Theo tính toán chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng.

Còn nếu tính đến thu nhập từ các hoạt động liên quan sản xuất kinh doanh điện như tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi… số lỗ của EVN giảm xuống còn 3.181 tỷ đồng.

Theo báo cáo, tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31-12-2011 là 26.733 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chênh lệch tỷ giá.

Giá điện 2013: Cõng khoản lỗ hàng chục ngàn tỷ - 1
Theo các chuyên gia, năng suất lao động của EVN vẫn chưa cao

Lại trình chính phủ về tăng giá điện từ năm 2013

Trao đổi với PV , liên quan đến việc lỗ do chênh lệch tỷ giá 26.669,27 tỷ đồng tính đến cuối năm 2011, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Chính phủ đã cho phép EVN xem xét xử lý khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá điện từ nay đến năm 2015.

Theo ông Tri, tập đoàn đã được Chính phủ cho khoanh nợ, không coi là nợ quá hạn. Hiện EVN đang lên đề án phát hành trái phiếu trị giá 9.000 tỷ đồng để chuyển từ nợ tiền điện sang nợ trả dần. Mức lãi suất và thời gian trả nợ sẽ được EVN cùng PVN thảo luận.

Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cho biết Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và EVN đang làm việc để dự kiến trong tháng 12 này có thể trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá điện trong các năm từ 2013-2015.

“Hiện các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn chứ không chỉ riêng EVN. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới sẽ cần cân nhắc nhiều yếu tố và Bộ Công Thương sẽ phải trình Chính phủ để Chính phủ quyết định”- Ông Cường cho biết.

Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan, đại diện Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, đây là lần thứ hai Hội cùng Mặt trận Tổ quốc, Bộ LĐ, TB&XH kiểm tra giá thành điện. Các số liệu kiểm tra đều đã được kiểm toán và minh bạch.

“Nên tách các chi phí liên quan đến trách nhiệm xã hội ra khỏi giá điện, không nên để trong giá điện như hiện nay khiến người tiêu dùng phải gánh. Mấu chốt để có giá điện tốt là thị trường phân phối điện phải có sự cạnh tranh, mà khâu này chưa thực hiện được nên hiện tại chưa nên buông giá điện theo giá thị trường”- ông Phan kiến nghị.

Trao đổi với PV , một chuyên gia ngành điện cho biết, các số liệu về giá điện khi đã được kiểm toán minh bạch. Tuy nhiên, do ngành điện vẫn còn độc quyền ở một số khâu nên cần làm rõ tính hiệu quả trong việc quản lý. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN